(GLO)- Những ngày qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường.
Theo chu kỳ điều chỉnh giá, từ 15 giờ ngày 1-3, giá xăng dầu được Liên bộ Công thương-Tài chính công bố điều chỉnh tăng hơn 500 đồng/lít ở tất cả các mặt hàng. Cụ thể, giá niêm yết tại thị trường Gia Lai như sau: xăng RON95-V là 27.870 đồng/lít, RON95-III 27.360 đồng/lít, E5 RON 92-II 26.590 đồng/lít; dầu diesel 0,05S-II 21.730 đồng/lít… Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 6 lần liên tiếp và hiện có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây.
Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Trong 2 tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới liên tục tăng và hiện đã vượt mốc 100 USD/thùng. Giá xăng dầu thế giới tăng cao đã đẩy giá xăng dầu trong nước tăng theo và có biểu hiện khó khăn về nguồn cung bởi sự bất ổn về kinh tế, chính trị ở một số nước. Hơn nữa, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng giảm công suất hoạt động dẫn đến nguồn cung gặp khó khăn. Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tình hình làm đứt gãy nguồn cung hoặc có hành vi ngừng hoạt động kinh doanh không lý do nhằm chờ tăng giá để trục lợi”.
Theo ông Dự, đến thời điểm này, qua kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện trường hợp nào đóng cửa hàng không có lý do chính đáng hoặc có tình trạng khan hàng, găm hàng để chờ tăng giá. Hiện có 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa có lý do và đã có văn bản gửi Sở Công thương, Cục Quản lý Thị trường tỉnh. Có thể thấy, thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, không có hiện tượng bất trắc về nguồn cung. Các thương nhân đầu mối đã cung ứng nguồn hàng đầy đủ cho tất cả các cửa hàng trực thuộc và thương nhân nhượng quyền.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo thống kê, toàn tỉnh có 7 thương nhân đầu mối, 8 nhà phân phối và 2 tổng đại lý tham gia kinh doanh xăng dầu với 421 cửa hàng xăng dầu được phân bố rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố. Là đơn vị chiếm đến 50% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Gia Lai, ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên-cho hay: Công ty có 70 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Gia Lai. Hiện nay, Công ty vẫn đảm bảo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường; các cửa hàng của Petrolimex vẫn hoạt động bình thường; giá cả đảm bảo ổn định theo quy định.
Còn ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí PV Oil miền Trung tại Gia Lai-cho hay: “Hiện nay, PV Oil đang chiếm 25-30% thị phần tại Gia Lai. Trong đó, có khoảng 80 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhượng quyền và 19 cửa hàng kinh doanh trực thuộc. Trong điều kiện kinh doanh hiện nay, PV Oil luôn đảm bảo cung cấp 100% theo cam kết đối với hệ thống cửa hàng kinh doanh nhượng quyền. Trong 2 tháng vừa qua, PV Oil đã cung cấp ra thị trường khoảng 12 triệu lít xăng dầu, tăng khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với các cửa hàng kinh doanh nhượng quyền, hiện chưa xảy ra tình trạng đứt nguồn, khan hiếm hàng phục vụ người dân. Các cửa hàng trực thuộc luôn phục vụ tốt theo cam kết trong quy định”.
Tương tự, ông Lê Văn Hậu-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Lê Hậu (245 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) cho biết: “Doanh nghiệp có 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Hàng ngày, các cửa hàng mở cửa từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Sản lượng hàng luôn đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và diễn ra xuyên suốt, chưa nghỉ ngày nào. Mặc dù chiết khấu rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh ổn định”.
Trước tình hình kinh doanh xăng dầu có những biến động, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Công văn số 333/UBND-KTTH về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cục Quản lý Thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở: Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán hàng; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường tỉnh-cho biết: Quan ngại nhất là hoạt động kinh doanh xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa, vì những nơi này thiếu hoạt động giám sát. Vì vậy, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tăng cường kiểm soát ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Đến thời điểm này, bên cạnh việc kiểm tra đột xuất, lực lượng Quản lý Thị trường đã yêu cầu khoảng 350 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh ký cam kết bán đúng giá niêm yết, không được đóng cửa, đảm bảo thời gian hoạt động đúng quy định. Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai dán bản đường dây nóng ở tất cả các cửa hàng, trong đó có số điện thoại của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường và Đội trưởng các đội Quản lý Thị trường (tùy địa bàn). Khi có bất kỳ trường hợp nào đóng cửa và bán cao hơn giá niêm yết hoặc bán không đúng thời gian đăng ký với cơ quan, ban ngành thì người dân gọi vào số đường dây nóng, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”-ông Hà nhấn mạnh.
VŨ THẢO