Kinh tế

Siết chặt quản lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ tạm ứng tối đa 30% vốn đầu tư cho nhà thầu là một trong những điểm đáng chú ý trong văn bản hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư, kế hoạch năm 2013. Hiện tại, tất cả các ngành, địa phương đang tăng cường công tác quản lý vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tràn lan như hiện nay.   

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg và số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 7-2013, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản số 8552/BTC-ĐT hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2013. Theo đó, nhằm tránh nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao. Hồ sơ thanh toán đối với các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ thì các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải nằm trong danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2013 tại Quyết định số 1902/QĐ-TTg ngày 19-12-2012.
 

Các nhà thầu chỉ được tạm ứng 30% vốn đầu tư cho công trình. Ảnh: H.D

Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ phải kèm theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đối với các dự án thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia… có tổng mức đầu tư một dự án dưới 15 tỷ đồng nhưng tổng mức vốn của các dự án này không vượt quá tổng mức đầu tư của từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ được giao các địa phương chịu trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và gửi Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ thanh toán cho các chương trình, dự án.

Về việc triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Ngọc Mỹ cho biết: Chủ đầu tư tạm ứng cho nhà thầu theo hợp đồng với tổng mức của các hợp đồng tối đa là 30% trên số kế hoạch giao hàng năm cho dự án và chịu trách nhiệm xác định mức tạm ứng cho từng hợp đồng cụ thể, đảm bảo mức tạm ứng của cả dự án theo quy định. Mức tạm ứng khống chế nêu trên là theo kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được bố trí kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo hợp đồng, sau khi đã thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần số vốn đã tạm ứng lần trước theo đề nghị của chủ đầu tư Kho bạc Nhà nước tạm ứng tiếp cho dự án (tổng số vốn đã tạm ứng không vượt mức quy định của hợp đồng). Tổng số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được điều chỉnh kế hoạch thì mức tạm ứng trên cơ sở kế hoạch điều chỉnh. Nếu mức vốn đã tạm ứng chưa thu hồi cao hơn 30% kế hoạch điều chỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi để đảm bảo tổng số dư vốn tạm ứng tối đa là 30% kế hoạch vốn điều chỉnh của dự án”.
 

Đến cuối năm 2012, tổng số nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cả nước là hơn 91.000 tỷ đồng; trong đó hơn 25.000 tỷ đồng nợ các công trình đã hoàn thành, gần 66.000 tỷ đồng nợ khối lượng đã thực hiện tại các dự án đang triển khai. Vì vậy, từ năm 2013, Chính phủ yêu cầu các ngành và địa phương phải ưu tiên vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Hàng năm, trước ngày 20-5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, vai trò của chủ đầu tư cũng được phân định rõ ràng. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm xác định mức tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng hợp lý, tạo điều kiện về tài chính cho nhà thầu thực hiện gói thầu theo tiến độ, đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng. Trường hợp vốn tạm ứng được sử dụng không đúng mục đích hoặc nhà thầu không thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ, chủ đầu tư thực hiện các chế tàitheo quy định hiện hành.

Được biết, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 của tỉnh có tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 1.414,9 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện toàn tỉnh đạt khoảng 40% so với kế hoạch và đã giải ngân gần 40%. Hầu hết các công trình đều đã có giá trị giải ngân (các công trình khởi công mới thì giá trị giải ngân chủ yếu là phần vốn ứng trước cho nhà thầu). Song, cũng có nhiều công trình có tiến độ rất chậm dù được triển khai trước năm 2012 và chủ yếu thuộc các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu năm 2011 và trái phiếu Chính phủ năm 2011. Một trong những nguyên nhân khiến các công trình này chậm tiến độ là bởi các chủ đầu tư chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân liên quan cũng như ràng buộc nhà thầu phải thi công theo đúng hợp đồng đã ký kết. Bởi vậy, với những chỉ đạo sát sao như trên, hy vọng Gia Lai sẽ sớm giải quyết tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản cũng như quản lý, sử dụng các nguồn vốn hiệu quả hơn.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm