Siết chặt quản lý về tài nguyên khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản luôn là một vấn đề bức thiết hiện nay. Bởi dù đã có Luật Khoáng sản và nhiều văn bản, chế tài liên quan nhưng giữa quy định và hiệu quả thực thi vẫn còn khoảng cách đáng kể. Mặt khác, các vấn đề quy hoạch mỏ khoáng sản, ký quỹ phục hồi môi trường, hậu kiểm doanh nghiệp đang có nhiều vướng mắc cần được xem xét, đánh giá lại…
 

Khai thác cát trái phép trên sông Ayun. Ảnh: Đ.P
Khai thác cát trái phép trên sông Ayun. Ảnh: Đ.P

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở quy hoạch của Trung ương, Gia Lai đã triển khai công tác lập và phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, với 524 điểm mỏ, điểm khoáng hóa, điểm khoáng sản. Điều chỉnh quy hoạch với 39 điểm mỏ vào giai đoạn 2010-2015 và bổ sung vào quy hoạch 49 điểm mỏ, chủ yếu là đá, cát xây dựng, đất cấp phối và than bùn, phục vụ cho nhu cầu xây dựng của tỉnh. Song song đó, tỉnh đã tiến hành khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, với tổng diện tích 518.765,895 ha thuộc các khu vực như: di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực cấm vì mục đích an ninh…

Trên cơ sở quy hoạch, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã phê duyệt trữ lượng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép với tổng trữ lượng cấp 121 là 2.618.269 m3, cấp 122 là 2.551.083 m3. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đồng thời khuyến khích khai thác gắn với đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ, đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp 88 giấy phép (GP) hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Đa số các mỏ khoáng sản được cấp phép thuộc địa bàn các huyện: Chư Sê, Kông Chro, Chư Pah, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Grai, Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ, Mang Yang, Chư Prông, Phú Thiện, Đức Cơ, Ia Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Tỉnh cũng đã cho thu hồi 2 dự án và thông báo đóng cửa mỏ đối với 33 GP khai thác khoáng sản hết thời hạn. Ngoài ra, còn có 4 GP thăm dò, khai thác khoáng sản do cơ quan Trung ương cấp đang còn hiệu lực, bao gồm 2 GP khai thác đá vôi tại Chư Sê, 1 GP thăm dò fenlspat tại Krông Pa, 1 GP thăm dò magnesit tại Kông Chro.

59 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, gắn với 18 nhà máy chế biến đá granite, đá bazan trụ và bazan khối, 3 nhà máy nghiền tuyển quặng sắt đã đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm. Cụ thể, năm 2009 đạt 333,1 tỷ đồng, năm 2010 đạt 419,1 tỷ đồng, năm 2011 đạt 412 tỷ đồng và 9 tháng năm 2012 đạt 244,4 tỷ đồng. Riêng năm 2012, sản lượng công nghiệp tính đến hết quý III đạt 505.071 m3, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp 36,36 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Trên lĩnh vực tài chính, các DN, cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2009 đến nay là 61,06 tỷ đồng tiền thuế, phí (thuế tài nguyên là 44,45 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là 16,61 tỷ đồng). Qua thống kê, số thu từ lĩnh vực này chiếm tỷ lệ khá thấp trên tổng số thu do cơ quan Thuế quản lý qua các năm 2009 là 0,5%, năm 2010 là 0,8%, năm 2011 là 0,81%.
 

Ông Nguyễn Văn Phụng-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: Một thực tế hiện nay đang tồn tại là những doanh nghiệp, dự án lớn thì các khoản thuế tài nguyên, ký quỹ phục hồi môi trường đều thuộc thẩm quyền của tỉnh. Trong khi đó, doanh nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn huyện, vận chuyển khoáng sản gây hư hại hệ thống giao thông của địa phương nhưng lại không đóng góp kinh phí để huyện duy tu bảo dưỡng. Nguồn thu từ thuế, phí không có nhưng mọi trách nhiệm thì địa phương vẫn phải gánh vác. Do vậy, đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh, phân cấp lại nguồn thu cho địa phương.

Nhìn chung, trong quá trình hoạt động, các DN, cá nhân đã tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT) như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký cam kết BVMT, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Trong tổng số 88 GP hoạt động khoáng sản thì UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường cho 4 dự án; UBND các huyện, thị xã, thành phố xác nhận cam kết BVMT cho 82 dự án và phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường cho 74 dự án. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt hơn 15 tỷ đồng, thực hiện nộp tiền ký quỹ lần đầu vào ngân hàng với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thì số tiền ký quỹ rất thấp, không đảm bảo phục hồi môi trường sau  khai thác.  

Hàng năm, công tác thanh-kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai theo kế hoạch. Kết quả, năm 2009 kiểm tra 15 DN, xử phạt vi phạm hành chính 5 DN với số tiền 95 triệu đồng. Năm 2010, kiểm tra 16 DN, xử phạt 5 DN với số tiền 110 triệu đồng. Năm 2011, kiểm tra 13 DN, xử phạt 4 DN với số tiền 105 triệu đồng. Quý II-2012, kiểm tra 17 DN và phối hợp công tác với đoàn kiểm tra của Trung ương tiến hành kiểm tra 10 DN. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn liên ngành, tổ chức truy quét khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương, đã tịch thu tang vật khoảng 1.000 m3 đá bazan trụ, bazan khối tại huyện Kông Chro; hơn 10.000 m3 cát sỏi tại huyện Mang Yang; kiểm tra, truy quét khai thác vàng sa khoáng trái phép tại huyện Ia Pa, Đak Đoa, xử phạt vi phạm hành chính 370 triệu đồng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT, quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên đã thẳn thắng nhìn nhận: Trong thời gian qua, chúng ta chưa thực sự làm tốt công tác quản lý nhà nước nên để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tại một số địa bàn như: Đak Đoa, Ia Pa, Mang Yang. Việc quản lý khối lượng sản xuất, khai thác của các DN còn hạn chế, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quy hoạch mỏ, việc khoanh định vùng tạm cấm hoạt động khoáng sản, việc ký quỹ phục hồi môi trường, công tác hậu kiểm doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét lại quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm trên lĩnh vực này; rà soát các dự án không hoàn thành công tác phục hồi môi trường, thậm chí đề nghị tạm dừng hoạt động nếu dự án đó không thực hiện đúng cam kết.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm