Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

“Sinh hoạt Đội số”: Nâng cao năng lực số cho thiếu nhi Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bắt đầu triển khai thí điểm từ giữa năm học 2023-2024, mô hình “Sinh hoạt Đội số” đã và đang trở thành sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo đội viên, học sinh tại các liên đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai tham gia.

Đây là sáng kiến của Hội đồng Đội Trung ương với sự đồng hành của Anschool nhằm nâng cao năng lực số cho thiếu nhi cả nước.

Hơn 40 học sinh lớp 5/6, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) vừa hào hứng tham gia sinh hoạt Đội số tháng 5 với chủ điểm “Tự hào lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh”. Dưới sự hướng dẫn của cô Đặng Thị Thủy-Giáo viên Tổng phụ trách Đội, các em lần lượt tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của Đội TNTP Hồ Chí Minh, 5 người đội viên đầu tiên, tên gọi của Đội TNTP và các hình thức sinh hoạt Đội qua các thời kỳ…

Sau mỗi phần lý thuyết dưới dạng sách nói là các trò chơi nhỏ để đội viên cùng nhau củng cố lại kiến thức. Đây cũng là phần được các em mong chờ và hưởng ứng nhiệt tình nhất, khiến không khí tiết sinh hoạt Đội trở nên vô cùng sôi nổi.

Em Phạm Thành Đạt chia sẻ: “Sinh hoạt Đội trên nền tảng trực tuyến khá thú vị, kết hợp cả âm thanh, hình ảnh, video sinh động. Đặc biệt, em rất thích các mini game trắc nghiệm kiến thức dưới dạng lộ trình. Đặc điểm của các mini game này là buộc chúng em phải trả lời đúng để có thể đi tiếp hành trình học tập và khám phá. Mỗi tháng lại có những chủ đề khác nhau, cách thức trò chơi cũng thay đổi nên không bị nhàm chán”.

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku) hào hứng tham gia sinh hoạt Đội số. Ảnh: Mộc Trà

Theo cô Thủy, Liên Đội Trường Tiểu học Chu Văn An là 1 trong 2 liên đội được Hội đồng Đội TP. Pleiku lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Sinh hoạt Đội số”. Căn cứ vào điều kiện của đơn vị và khả năng của học sinh, Liên Đội đã quyết định triển khai thí điểm sinh hoạt Đội số đến cấp chi đội.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên Tổng phụ trách Đội, 12/12 chi đội lần lượt được trải nghiệm mô hình này theo chủ điểm từng tháng do Hội đồng Đội Trung ương đặt ra, gồm: Theo bước chân anh Lý Tự Trọng (tháng 3), Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 4) và Tự hào lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh (tháng 5).

“So với sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt Đội số có khá nhiều ưu điểm. Thay vì chỉ có thể tổ chức sinh hoạt tập trung đội viên dưới cờ thì giờ đây, giáo viên Tổng phụ trách Đội có thể triển khai đến từng chi đội, thậm chí là từng đội viên.

Giáo viên không còn phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị tài liệu sinh hoạt vì tất cả đã được tích hợp sẵn trên nền tảng số của Anschool, chỉ cần biết cách khai thác hiệu quả và định hướng cho học sinh. Sau 3 tháng triển khai sinh hoạt Đội số, học sinh tỏ ra rất hào hứng, ghi nhớ kiến thức nhanh và sâu sắc hơn”-cô Thủy cho hay.

Tương tự, Liên Đội Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kông Chro cũng đang triển khai thí điểm mô hình “Sinh hoạt Đội số” cho học sinh. Cô Võ Thị Tám-Giáo viên Tổng phụ trách Đội-thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Đoàn cấp trên, Liên Đội đã lập và kích hoạt tài khoản cho tất cả đội viên để cùng sinh hoạt Đội trên nền tảng Anschool.

Đến nay, các chi đội đã triển khai sinh hoạt Đội số được 2 chủ điểm của tháng 3 và tháng 4 và đang sinh hoạt chủ điểm tháng 5. Thuận lợi là học sinh THCS có vốn hiểu biết nhiều hơn, kỹ năng công nghệ thông tin cũng tốt hơn so với cấp tiểu học nên Liên Đội có thể triển khai tài khoản đến từng học sinh để các em tự trải nghiệm trên nền tảng số.

Cô Võ Thị Tám-giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kông Chro hướng dẫn học sinh tham gia sinh hoạt Đội số tại phòng Tin học của trường. Ảnh: Mộc Trà

Em Đinh Thị Y Soa (lớp 7, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kông Chro) bày tỏ: “Điều khiến em thích nhất khi sinh hoạt Đội số là những câu chuyện lịch sử được kể sinh động bằng cả giọng đọc, hình ảnh và chữ viết. Thêm vào đó là các câu hỏi trắc nghiệm, hoạt động xung quanh nội dung chủ đề giúp chúng em ghi nhớ nhanh kiến thức. Với tài khoản cá nhân, chúng em có thể chủ động trải nghiệm và khám phá trong suốt buổi sinh hoạt chi đội”.

Để thực hiện có hiệu quả sinh hoạt Đội số, từ đầu năm học 2023-2024, Hội đồng Đội tỉnh đề ra chỉ tiêu 100% Hội đồng Đội cấp huyện triển khai thí điểm mô hình theo hướng dẫn của Hội đồng Đội Trung ương; đồng thời, chỉ đạo các liên đội xây dựng mô hình, giải pháp nâng cao năng lực số cho thiếu nhi, giúp các em dần tiếp cận với công nghệ số, học cách tra cứu, tìm kiếm thông tin học tập, tin tức được dễ dàng và chính xác hơn, góp phần tạo môi trường chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục, rèn luyện và vui chơi, giải trí cho thiếu nhi.

Các trò chơi trắc nghiệm củng cố kiến thức sau mỗi phần nội dung sinh hoạt luôn tạo sự thích thú cho đội viên, thiếu nhi. Ảnh: M.T

Theo anh Nguyễn Chí Hiếu-Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh, đến nay, 17/17 Hội đồng Đội cấp huyện đã triển khai thí điểm được 18 mô hình “Sinh hoạt Đội số” tại 18 liên đội (TP. Pleiku có 2 đơn vị). Đa số Hội đồng Đội cấp huyện đều lựa chọn liên đội trường cấp THCS và nằm ở khu vực trung tâm để triển khai thí điểm mô hình vì phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh và bước đầu ghi nhận kết quả khả quan.

Sinh hoạt Đội số đã thể hiện được tính số hóa, cá nhân hóa và quốc tế hóa trong sinh hoạt đội viên; tạo sự thống nhất về hình thức và nội dung tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin như Gia Lai thì chưa thể triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

“Sau khi kết thúc năm học 2023-2024, Hội đồng Đội tỉnh sẽ đánh giá lại việc thí điểm mô hình, phân tích kỹ những khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung liên quan; đồng thời, xem xét triển khai nhân rộng mô hình khi đủ điều kiện”-anh Hiếu khẳng định.

Có thể bạn quan tâm