Một thị trấn cổ ở Đức đã vô tình được con người xây dựng trên mảnh đất mang các đặc tính ngoài hành tinh giống "hố sự sống" khổng lồ Jezero ở Sao Hỏa.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phân tích các mẫu đất, trầm tích từ Nördlingen Ries ở Bavaria (Đức), một miệng hố va chạm rộng tới hơn 24 km, có niên đại 15 triệu năm mà 1.100 năm trước, con người đã vô tình xây nên thị trấn Nördlingen bên trên.
Kết quả cho thấy suốt ngàn năm, nhiều thế hệ cư dân của thị trấn hình tròn kỳ lạ này đã sống trên một mảnh đất có đặc tính địa chất và hóa học y hệt hố thiên thạch khổng lồ Jezero của Sao Hỏa mà không hay! Jezero chính là chiếc "hố sự sống" mà NASA đang nhắm đến trong các sứ mệnh tìm kiếm sinh vật ngoài hành tinh.
Người dân thị trấn cổ đã bước đi trên "bản sao" của hố sự sống Jezero trên Sao Hòa mà không hay - ảnh: WIKIMEDIACOMMONS |
Không rõ thiên thạch đã tạo nên thế giới "bản sao" của Jezero trên trái đất này bắt nguồn từ đâu, nhưng các yếu tố ngoài hành tinh cổ xưa bao gồm các lớp đá và khoáng chất ở Nördlingen Ries đã được bảo quản tốt hơn hầu hết mọi nơi khác trên trái đất.
Trong các sứ mệnh trước đó, các nhà vũ trụ học chỉ tìm thấy các miệng hố giống Nördlingen Ries ở Sao Hỏa. Vì vậy, một thế giới bản sao ngay trên trái đất sẽ giúp họ có cơ hội vàng để ngược dòng thời gian tìm những mảnh ghép còn thiếu trong lịch sử sự sống Sao Hỏa.
Ảnh vệ tinh của NASA hé lộ địa hình của khu vực bên dưới các cấu trúc nhân tạo - ảnh: NASA |
Theo giáo sư Eva Stüeken từ Trường Khoa học Trái đất và môi trường thuộc Đại học St. Andrew (Scotland, Vương quốc Anh), thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã xác định được các đồng vị nitơ quan trọng, thứ chắc chắn cũng tồn tại trên thế giới song song trên Sao Hỏa. Các đồng vị này phản ánh thế giới ngoài hành tinh cổ đại, quê hương của thiên thạch bí ẩn đã từng có những hồ nước có độ kiềm cao và khí quyển giàu CO2.
Một phần hố Jezero - ảnh: NASA |
Và CO2 chính là thứ cần thiết để một thế giới xa mặt trời như Sao Hỏa cổ đại có thể đủ ấm đề tồn tại đại dương trên bề mặt và sự sống. Rất tiếc, theo nhiều nghiên cứu cho thấy, bầu khí quyển của Sao Hỏa đã bị bốc hơi và hành tinh giờ chỉ còn là một thế giới khô cằn, chết chóc.
Vì vậy, việc có được "thế giới bản sao" ngày trong tầm tay là điều kiện tuyệt vời để các nhà khoa học sớm giải mã bí ẩn sự sống cổ đại trên Sao Hỏa, cũng như góp phần định hướng các nhiệm vụ chinh phục hành tinh đỏ trong thời gian tới.
A. Thư (Theo Space, CNN/NLĐO)