Kinh tế

Sự liên kết 4 nhà ở tỉnh Gia Lai, những vấn đề đặt ra và các giải pháp để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thế kỷ XXI, thế kỷ của đổi mới, phát triển và hội nhập trên toàn thế giới. Nông nghiệp nước ta đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có hàm lượng chất xám ngày càng cao nhằm tăng năng suất lao động, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Trong lúc đó, chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường nông nghiệp luôn ổn định về giá hoặc giá bán duy trì ở mức cao mãi được. Do vậy, một vấn đề có tính tất yếu là chúng ta cần tìm cách thích ứng với thị trường.

Trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đã có những bước phát triển khá toàn diện và ổn định. Nông nghiệp phát triển ổn định và có xu hướng tái sản xuất theo chiều sâu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi theo chiều hướng lành mạnh hóa các quan hệ phát triển kinh tế. Sự phát triển của nông nghiệp nông thôn đã góp phần quan trọng vào sự ổn định của đất nước, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững.

 

 

Để có được những thành tựu đó thì người nông dân tự mình không thể xoay chuyển được tình thế mà cần phải có sự liên kết “4 nhà” một cách thiết thực và hiệu quả. Liên kết “4 nhà” gồm: nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông. Mục đích của liên kết này là các nhà cùng nhau hợp tác để cùng tìm đầu vào và đầu ra ổn định cho hàng hóa nông nghiệp. Liên kết để có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo ra môi trường kinh doanh văn minh, lành mạnh, an toàn trong giai đoạn đầu hội nhập kinh tế.

Để tạo ra một nền nông nghiệp cân đối, bền vững, trên cơ sở quy hoạch tạo ra một cơ cấu sản xuất hợp lý đáp ứng được thị trường và tạo được thế mạnh, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch hoàn chỉnh nền sản xuất nông nghiệp theo từng ngành, vùng, địa phương với từng loại sản phẩm đặc thù. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là với từng vùng khác nhau sẽ có một loại cây trồng chủ lực và Tỉnh luôn có chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến về lâu dài phải gắn vùng nguyên liệu với nhà máy. Với chủ trương đó, hàng loạt cây trồng phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng.

Với đặc điểm là một tỉnh miền núi được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt , Gia Lai có điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó tổng sản phẩm năm 2015 ước đạt 12.227 tỷ, đạt 100% kế hoạch, tăng 12,98% so với cùng kỳ năm 2014 . Kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm tăng 12,81%. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đến năm 2015 gấp 2,54 lần so với năm 2010. Đây là một kết quả rất đáng trân trọng.

Quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai gắn liền với sự phát triển và đi lên của nền nông nghiệp cả nước, của việc liên kết đội ngũ 4 nhà từng bước đã hình thành những vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như: cao su, cà phê, tiêu, mía đường… Tuy nhiên trong mối liên kết này cũng còn những vấn đề cần phải được định hướng rõ ràng trên cơ sở tôn trọng lợi ích của mỗi bên là mấu chốt cho sự phát triển, tạo mối liên kết bền vững, hạn chế sự lỏng lẻo như hiện nay. Biểu hiện rõ nét là có những trường hợp doanh nghiệp ép giá nông dân mỗi khi nông sản được mùa, còn nông dân thì bội ước với doanh nghiệp khi giá lên sẵn sàng bán nông sản cho thương lái với giá cao hơn, phá vỡ hợp đồng và ký kết. Kết quả là: cung vượt quá cầu, một số lĩnh vực được mùa mất giá, tạo ra hiện tượng lúc chặt điều trồng cao su, lúc chặt cao su trồng cà phê, lúc lại chặt cà phê trồng hồ tiêu… dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường, thua lỗ trong trung hạn và dài hạn xảy đến là điều tất yếu.

Do những hạn chế về thị trường tiêu thụ, phần lớn hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất thiếu tính bền vững. Nông dân không yên tâm đầu tư dài hạn, nhất là nông, lâm sản đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn. Mối liên kết lỏng lẻo giữa 4 nhà thể hiện ở ngay hợp đồng liên kết. Việc xử lý các vi phạm hiện nay gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp phù hợp để ràng buộc hai bên. Đối với nông dân trong quá trình sản xuất hàng hóa nông sản hiện nay, bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về trình độ học vấn và hiểu biết về cây trồng, chưa có nhiều các đơn vị tư vấn trong công tác khuyến nông nhất là thị trường ổn định nên chưa có chiến lược trong việc lựa chọn cây trồng và đầu tư. Do đó có lúc vì hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài.

Về phía nhà doanh nghiệp của tỉnh nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn lớn nhất chính là việc thiếu vốn, và phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Nhiều trường hợp xảy ra thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng, nông dân không thu hoạch được sản phẩm và không thực hiện đúng cam kết, doanh nghiệp không trả được nợ, phải kéo dài thời gian vay nợ của ngân hàng làm tăng vốn vay, lãi vay, làm ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy cho nên doanh nghiệp còn e dè, ngần ngại đầu tư cho sản xuất kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp vì đầu tư càng cao thì tỷ lệ rủi ro càng lớn. Bên cạnh những nguyên nhân từ phía nông dân thì vẫn còn có hạn chế bắt nguồn từ phía doanh nghiệp như: chưa tôn trọng hợp đồng đã ký, không mua hết sản phẩm, chưa thực hiện đúng cam kết về giá mua, tự ý phá vỡ hợp đồng… Trong quá trình thực hiện liên kết, vai trò của ngân hàng là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay do tâm lý sợ rủi ro, muốn bảo toàn vốn nên nhiều ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia trực tiếp vào quá trình liên kết như tạo điều kiện thông thoáng cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất mà thường cho các doanh nghiệp vay vốn để họ đầu tư cho nông dân.

Về phía Nhà nước: Công tác chỉ đạo tổ chức có mặt còn hạn chế, đặc biệt trong công tác quy hoạch các loại cây trồng cho từng vùng và cung cấp thông tin cho nhà nông, nhà doanh nghiệp định hướng thị trường; chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tập trung và tích tụ ruộng đất. Đến nay, đất sản xuất của hầu hết các hộ nông dân còn phân tán nên khó khăn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập trung hoặc các cánh đồng mẫu lớn làm hạn chế việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác chỉ đạo xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác của nông dân chưa được quan tâm đúng mức.

Về phía nhà khoa học: Nhà khoa học giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình liên kết nhằm giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất… nhưng việc thiếu những cơ chế rõ ràng khiến vai trò của nhà khoa học không được đề cao. Đã có không ít trường hợp các nhà khoa học đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm làm lợi hàng chục tỷ đồng nhưng phần được hưởng của họ hầu như không đáng kể. Các cơ quan chuyên môn như cơ quan nghiên cứu, các phân hiệu Đại học trên địa bàn còn chưa thực sự gắn giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất; chưa có kế hoạch cụ thể gắn kết với doanh nghiệp, người sản xuất trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp với các nhà khoa học còn lỏng lẻo.

Qua nghiên cứu sự liên kết giữa 4 nhà trong thời gian qua như đã nêu trên, để tăng sự phát triển ngành nông nghiệp của Tỉnh trong tương lai cần có những giải pháp sau:

- Công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu phải đi trước một bước.
- Về lâu dài các doanh nghiệp phải đi tiên phong trong ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản, cần đầu tư vốn và ứng trước cho nông dân về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng. Hợp đồng sản xuất, tiêu thụ phải thực sự đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa hai bên một cách hài hòa và đảm bảo quyền lợi của mỗi bên. Việc này trong ngắn hạn còn đang gặp phải những trở ngại nhưng trong dài hạn phải đảm bảo tính khả thi cao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.
- Các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại....
- Các cơ quan chức năng nhất là các Sở chuyên ngành Tỉnh cần tuyên truyền giáo dục pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản.
- Xây dựng và tăng cường năng lực quản lý và hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân, để các tổ chức này thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.
- Cần phổ biến các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực trồng, chế biến nông sản để hỗ trợ cho nông dân về sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững; về công tác xúc tiến thương mại giúp cho nông dân và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.

Cấp tỉnh cần có kế hoạch về xây dựng và phát triển cánh đồng mẫu lớn theo từng giai đoạn, chọn lựa diện tích đất canh tác phù hợp sản xuất các vùng hoa màu chuyên canh. Các huyện định hướng cho các xã, thị trấn sản xuất nông nghiệp đều có cánh đồng mẫu lớn theo hướng tích tụ ruộng đất để áp dụng khoa học - kỹ thuật phù hợp với từng vùng, miền.

Ngoài ra, một vấn đề hết sức quan trọng mang tính chiến lược và định hướng phát triển là tỉnh Gia Lai có lợi thế có các Công ty, nông trường cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, lúa, cây ăn quả… có quy mô sản xuất lớn, nên có thế mạnh trong việc xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung và liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài vùng trong chế biến và nhất là chế biến sâu tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.

Để liên kết 4 nhà hữu hiệu trong sản xuất nông nghiệp thì các địa phương và các ngân hàng ưu tiên trong việc kêu gọi các đơn vị dịch vụ, các siêu thị bán dụng cụ nông nghiệp mở các cửa hàng bán các nông cụ giá cả hợp lý giúp cho nông dân trong khâu cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ vốn ưu đãi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở chuyên ngành giúp cho các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu các mặt hàng như: Công ty TNHH Cà phê Thu Hà - Gia Lai, Công ty Cà phê Trung Nguyên - Buôn Mê Thuột… tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong liên kết 4 nhà thì các địa phương cần đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa các nhà; trong đó lợi nhuận đầu tiên phải thuộc về nhà nông. Có như vậy nông dân mới có điều kiện tái sản xuất mở rộng.

Lê Đức Tánh
Tiến sĩ Khoa học Kinh tế

Có thể bạn quan tâm