Kinh tế

Sức lan tỏa từ chương trình tín dụng học sinh-sinh viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tín dụng dành cho học sinh-sinh viên được đánh giá là chương trình có quy mô tín dụng lớn, hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực khi chia sẻ gánh nặng tài chính, mang cơ hội tiếp bước đến trường cho hàng vạn học sinh-sinh viên có gia cảnh khó khăn...  

 Các đối tượng vay tiền tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: K.N.B
Các đối tượng vay tiền tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: K.N.B

Sau 9 năm triển khai trên địa bàn Gia Lai, chương trình tín dụng học sinh-sinh viên (HSSV) thực hiện theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội bởi mục tiêu đậm chất nhân văn mà nó hướng đến: “Không để một HSSV nào đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”. Với lãi suất ưu đãi, đối tượng thụ hưởng mở rộng, giải ngân theo phân kỳ học tập, thời gian trả nợ linh hoạt đã giúp các gia đình nghèo, cận nghèo hoặc hộ khó khăn đột xuất về tài chính, HSSV mồ côi, lao động nông thôn đi học nghề, bộ đội xuất ngũ... mạnh dạn vay vốn, mở ra cơ hội học tập, thắp sáng ước mơ tri thức cho con em mình.
 

Tính riêng giai đoạn 2007-2012, đã có 31.921 HSSV từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, với tổng số tiền vay là 606,9 tỷ đồng. Trong đó, 19.800 HSSV đã tốt nghiệp ra trường, 84,7% HSSV tốt nghiệp đã có việc làm ổn định. Đặc biệt, trong giai đoạn này đã có 2.287 hộ đồng bào   dân tộc thiểu số vay vốn với số tiền 38,9 tỷ đồng.

Là chương trình có quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh, tín dụng HSSV đã thực sự đi vào cuộc sống khi nhanh chóng hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu tài chính của hàng ngàn hộ vay. Tính đến 30-4-2016, tổng dư nợ của chương trình là 437 tỷ đồng/18.000 hộ dư nợ; trong đó 56% dư nợ thuộc hệ đào tạo đại học, 33% thuộc hệ cao đẳng, số còn lại là trung cấp. Các địa bàn như: TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê, Kbang, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Grai... có số dư nợ/hộ vay chiếm tỷ lệ cao nhất. Một điều đáng ghi nhận là hiệu quả, chất lượng tín dụng của chương trình được đảm bảo khi tỷ lệ thu nợ đến hạn luôn vượt kế hoạch. Kết quả này đã phần nào thể hiện tinh thần vượt khó, cộng đồng trách nhiệm với gia đình từ phía HSSV, cộng với sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2015, Ngân hàng đã thực hiện thu nợ chương trình HSSV đạt 120 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2016 thu nợ đạt 48 tỷ đồng, dư nợ chương trình giảm 40 tỷ đồng so với đầu năm.

 Theo đánh giá của ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, chính sách tín dụng dành cho HSSV thực sự đã phát huy hiệu quả khi tỷ lệ thu lãi, thu nợ luôn đạt cao trong những năm qua. Việc cho vay và trả nợ được thực hiện theo phân kỳ, thời gian trả nợ được cộng thêm 1 năm ân hạn đã tạo điều kiện cho gia đình HSSV tìm nguồn trả nợ. Đặc biệt, Ngân hàng còn thực hiện chính sách thoái lãi cho những hộ vay đã trả nợ trước hạn. Một điểm đáng lưu ý, trong năm 2016, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh nâng mức cho vay HSSV từ 11 triệu đồng/năm/người lên 12,5 triệu đồng/năm/người cho thấy tính linh hoạt của chương trình nhằm đảm bảo tối thiểu nhu cầu học tập của HSSV trong bối cảnh hiện nay.

 Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm