TN - Đất & Người

Sức sống Diên Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một trong những địa phương khó khăn nhất TP. Pleiku nhưng nhờ tìm được hướng đi đúng nên đến nay Diên Phú không còn hộ nghèo. Kết quả này là những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền khi thực hiện nhiệm vụ chính trị sát với tình hình địa phương.

Ký ức về một thời...

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Diên Phú Ngô Văn Bằng không khỏi tự hào khi xã không còn hộ nghèo nói chi đến hộ đói. Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu có của ăn, của để với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tất cả nỗ lực này từ việc định hướng đúng của Đảng bộ xã, sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền các cấp thông qua việc chuyển giao khoa học kỹ thuật giống vật nuôi cây trồng cho người dân trên địa bàn để cùng nhau vươn lên làm chủ trên chính mảnh đất của mình.

 

Đường vào xã Diên Phú hôm nay. Ảnh: Lê Văn Nhung
Đường vào xã Diên Phú hôm nay. Ảnh: Lê Văn Nhung

“Ngày trước, lo cái ăn đã đứt hơi lấy đâu chuyện học hành cho con em. Có người chưa đến tuổi lao động phải cùng với cha mẹ vào sâu trong vườn mít cũ đào hầm, làm lán rồi lại vào rừng đốn củi đem đốt lấy than chở ra thị xã bán kiếm tiền đong gạo qua ngày. Đất đai rộng mênh mông bát ngát nhưng mùa khô đến bụi mù, đất đai nứt nẻ như thửa ruộng há mồm không cây gì sống nổi; mưa xuống thì lầy lội, nhân dân chỉ tranh thủ trồng được ít lúa rẫy, mấy luống khoai lang, khoai mì và bắp là loại lương thực chính cho gia đình dùng cả năm. Nhưng những thứ đó cũng không đủ nuôi gia đình mà cái đói thường trực như là chuyện thường... ở xã”-ông Lê Văn Dũng-Phó Bí thư Đảng ủy xã, một người sống lâu năm ở đây, hồi tưởng lại.

...Ngày ấy, Diên Phú chỉ cách trung tâm Pleiku chưa đầy 10 km nhưng đường vào xã rất khó khăn. Mới chỉ năm 1989 đây thôi, đi xe đạp trên con đường này mà cảm giác xa ngun ngút trong tầm mắt. Mùa mưa, nước đổ về thêm trơn trượt, đi trên con đường họa hoằn lắm mới thấy được một bóng người xuôi-ngược với mình. Hàng trăm hộ dân về đây lập nghiệp chủ yếu từ các phường Hội Thương, Diên Hồng, Yên Đổ theo tiếng gọi vào Diên Phú đi xây dựng kinh tế mới đầu những năm 1976. Mặc dù nơi đây đất rộng bạt ngàn nhưng lại quá cằn cỗi, cây trồng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước thiên nhiên nên cái đói quanh năm chực chờ là điều dễ hiểu. Nhiều người vì thế không thể trụ với sự khắc nghiệt của vùng đất nên lại quay về nơi cũ, nhiều hộ khác thì đi tìm cuộc sống mới ở ngoài tỉnh Gia Lai... Ai bám trụ được có lẽ hầu hết phải vào rừng đốn củi làm than nên được mệnh danh là dân “Vườn mít” hay dân... “Lò than”.

Khi công tác lãnh đạo đúng hướng

Nhìn những vườn cà phê, hồ tiêu ngút tầm mắt, xanh um trong các khu vườn nhà mà trước đây chỉ là những luống khoai lang ai cũng không nghĩ vùng đất này lại có sức sống mãnh liệt như vậy. Đời sống tinh thần và vật chất của người dân được thay đổi bội phần so với nhiều năm về trước khi toàn xã bây giờ không còn hộ nghèo; mức thu nhập bình quân đầu người đã trên 33 triệu đồng/năm trong tổng số 709 hộ/3.036 khẩu.

Con đường bờ lô cao su độc đạo ngày nào nay đã thảm nhựa với 4 làn xe ô tô. Dọc con đường vào trung tâm xã, nhiều căn nhà mới xây chói lòa dưới ánh nắng; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và THPT Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, Trường Trung cấp Phật học... là điểm nhấn quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai. Với lợi thế là một xã chuyển dịch theo hướng trồng cây công nghiệp khi người dân ở đây đang sở hữu 565,6 ha cà phê (520 ha kinh doanh), 40,855 ha hồ tiêu (16,4 ha kinh doanh), đàn bò trên 210 con, heo trên 1.300 con và đàn gia cầm các loại trên 3.000 con là những tiềm lực đem về lợi nhuận cho nông dân mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Ngô Văn Bằng, đó chính là kết quả mà cán bộ, đảng viên ở cơ sở phát huy được vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua việc triển khai thực hiện những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà nghị quyết Đảng ủy đề ra qua từng năm sát với tình hình địa phương. “Hàng năm UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố, các doanh nghiệp phân bón có uy tín và Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật và cách phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê, hồ tiêu; cấp phát tài liệu phân tích đất và hướng dẫn sử dụng phân bón phù hợp với từng loại đất ở từng thôn trên địa bàn xã cho hàng trăm hộ sản xuất tham gia”-ông Bằng cho biết. Ông Bằng cũng khẳng định: Diên Phú phát triển được như ngày hôm nay chính là nhờ người dân tự ý thức tiếp thu khoa học và biết chuyển đổi sang cây công nghiệp dài ngày.

Cùng chung chia sẻ trong câu chuyện vươn lên làm giàu tưởng chừng rất khó ở Diên Phú này, Bí thư Đảng ủy xã Lê Tấn Hổ còn đưa ra danh sách một loạt hộ triệu phú như hộ ông Lê Hoang (thôn 2), ông Vi Văn Châu (thôn 6), ông Nguyễn Công (thôn 2)… có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng. Ông Hổ còn chia sẻ: “Học theo gương Bác chính là trung thực, trách nhiệm. Nhưng trung thực, trách nhiệm chính là biết lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc; tranh thủ ý kiến người có kinh nghiệm, người cao tuổi và biết tập hợp các tổ chức chính trị, đoàn thể, Mặt trận trên địa bàn. Đồng thời, phải đem lại sự ổn định trên địa bàn để người dân chắt chiu làm ăn thì người dân mới tin”.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm