(GLO)- Trong 2 tháng đầu năm 2014, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đã giảm sâu cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, diễn biến thực tế tình hình tai nạn giao thông vẫn còn rất nhiều điều đáng lo ngại.
Kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: Tiến Dũng |
Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2014 (từ ngày 16-12-2013 đến 15-2-2014), toàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người, bị thương 27 người. Ngoài ra, trong thời gian trên, toàn tỉnh còn xảy ra 35 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 51 người. So với cùng kỳ năm 2013, tai nạn giao thông và va chạm giao thông trên địa bàn đều giảm, trong đó tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí: giảm 25 vụ (46,3%), giảm 30 người chết (48,39%) và giảm 5 người bị thương (15,63%).
Thống kê theo địa bàn cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2014, có 2 địa phương là Kbang và Kông Chro không để xảy ra tai nạn giao thông. Trong khi đó, TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pưh, Đak Đoa, Đak Pơ, Đức Cơ, Ia Pa là các địa phương giảm được cả số vụ và số người chết do tai nạn giao thông. Ở phía ngược lại, Chư Pah là địa phương duy nhất để tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2013.
Đặt trong bối cảnh 2 tháng đầu năm 2014 là khoảng thời gian trùng với Tết Nguyên đán, thời điểm mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến và tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia cũng gia tăng thì việc tai nạn giao thông ở tỉnh ta giảm sâu cả 3 tiêu chí rõ ràng là một kết quả hết sức đáng phấn khởi. Để có được kết quả ấy, không thể không nói đến sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh và Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh trong suốt quãng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của các địa phương và các ngành chức năng của tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng là điều rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, việc tai nạn giao thông giảm còn xuất phát từ sự chuyển biến trong ý thức của một bộ phận lớn người tham gia giao thông trên địa bàn.
Đoàn Thanh niên TP. Pleiku ra quân Tháng An toàn Giao thông. Ảnh: Đức Thụy |
Mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ song thực tế tình hình tai nạn giao thông ở tỉnh ta từ đầu năm đến nay vẫn còn nhiều điều đáng để lo ngại. Cụ thể là số vụ tai nạn và số người chết qua từng tháng lại có dấu hiệu gia tăng. Nếu như từ ngày 16-12-2013 đến 15-1-2014, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn, làm chết 15 người thì trong một tháng kế tiếp, con số này đã tăng lên thành 15 vụ, 17 người chết. Bên cạnh đó, mức độ của các vụ tai nạn cũng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là chỉ trong 5 ngày (từ ngày 10-2 đến 14-2), toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn, làm chết 8 người, bị thương 4 người. Trong đó, riêng vụ tai nạn xảy ra vào tối 12-2 tại xã Ia Nhin, huyện Chư Pah đã khiến 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương.
Trước diễn biến đó, ngày 14-2, Ban An toàn Giao thông tỉnh có công văn gửi Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh và Trưởng ban An toàn Giao thông các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng. Trong công văn này, Ban An toàn Giao thông tỉnh đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, tập trung vào đối tượng thanh- thiếu niên.
Cùng với đó, Ban An toàn Giao thông tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô; tập trung lực lượng, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, xử lý nghiêm những hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng…
Việc Ban An toàn Giao thông tỉnh chủ động kịp thời ban hành công văn trên là một động thái hết sức cần thiết bởi thực tế, việc kiềm chế tai nạn giao thông ở tỉnh ta nhiều năm qua vẫn chưa đạt được sự bền vững như mong muốn. Do đó, nếu các cấp chính quyền và các ngành chức năng có tâm lý chủ quan, lơ là, không coi công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài thì nguy cơ tai nạn giao thông tăng sẽ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với những gì đã đạt được trong 2 tháng đầu năm, hy vọng rằng năm 2014, Gia Lai sẽ hoàn thành mục tiêu giảm 5%-10% số vụ và số người chết do tai nạn so với năm 2013.
Vĩnh Phúc