Tai nạn giao thông hậu quả dai dẳng kỳ 2: Giam mình sau song sắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không những cướp đi sinh mạng, làm tổn hại sức khỏe và thiệt hại tài sản, tai nạn giao thông còn là nguyên nhân khiến nhiều người phải lâm vào cảnh tù tội. Những tháng ngày giam mình sau song sắt, không ít phạm nhân rất hối hận vì đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông. 
Sự hối hận muộn màng
Ở tuổi 32, lẽ ra Nguyễn Quang Khoa (SN 1988, trú tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã yên bề gia thất. Nhưng không, người đàn ông có dáng người cao to vạm vỡ ấy đang phải trải qua những tháng ngày dằn vặt sau song sắt tại Trại giam Gia Trung (Bộ Công an). Khoa bị kết án 3 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về giao thông đường bộ” và đang đếm ngược ngày mình trở về trong hối hận dày vò. 
Khoa nhớ như in buổi sáng định mệnh: 26-2-2018. Dù không có giấy phép lái xe ô tô nhưng Khoa vẫn điều khiển xe tải loại 3,5 tấn chở chanh dây trên quốc lộ 19. Trong lúc đánh xe qua đường, xe của Khoa va chạm với xe máy chạy ngược chiều khiến cả 2 người trên xe máy tử vong.
Cơ quan Công an xác định: Khoa điều khiển xe khi không có giấy phép lái xe, không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Khoa rơi vào vòng lao lý. Nguyễn Văn Thám (SN 1993, trú tại tỉnh Bình Định) cũng bị kết án 1 năm tù vì đã giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. 
Vụ tai nạn khiến Khoa day dứt khôn nguôi. Khoa cố chạy vạy vay mượn tiền để bù đắp phần nào mất mát cho gia đình nạn nhân. “Mình đã sai. Giờ mình gây ra cái chết cho người ta rồi, bản thân mình phải ngồi tù để trả giá cho lỗi lầm. Ở bên ngoài, khoản nợ vay để lo khắc phục hậu quả sau tai nạn vẫn còn chồng chất, chưa biết bao giờ mới trả nổi”-Khoa nói trong ân hận. 
Trong trại giam, Nguyễn Đình Linh vẫn ân hận về sai lầm của mình. Ảnh: Văn Ngọc
Cũng như Khoa, Nguyễn Đình Linh (SN 1997, trú tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã khép lại khoảng thời gian tươi sáng của mình bởi một phút lầm lỡ. Rời ghế nhà trường, Linh xin được chân phụ xe tải ở TP. Pleiku. Ngày 30-4-2019, nhân dịp được nghỉ lễ, Linh về thăm gia đình tại thị trấn Phú Túc và mượn một chiếc xe ô tô để đi.
Lâu ngày được trở về quây quần với gia đình, mọi người đều vui nên Linh có uống vài lon bia. Tàn cuộc vui, dù trong người đã chuếnh choáng hơi men, Linh vẫn cố chấp điều khiển xe ô tô quay trở lại TP. Pleiku. Khi đến ngã ba Chư Rcăm (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa), xe của Linh tông vào 2 thanh niên đi xe máy độ chế, không lắp đèn chạy theo hướng ngược chiều. Hậu quả, 1 người đi trên xe máy tử vong.
Cơ quan Công an xác định, Linh đã điều khiển xe ô tô đi sai làn đường gây tai nạn. Ngoài mức án 16 tháng tù, Linh còn phải bỏ tất cả số tiền mà mình dành dụm được trong thời gian dài vật lộn mưu sinh để lo cho gia đình người bị nạn. Trước khi gây tai nạn, Linh đã có người yêu và dự định khi có một khoản vốn lận lưng sẽ nói chuyện với gia đình đôi bên. Vậy nhưng, mọi thứ đã sớm khép lại chỉ sau một phút bốc đồng.
Linh ân hận: “Giá hôm đó tôi không uống rượu bia. Giờ cả trăm triệu tích cóp bấy lâu để lập nghiệp cũng phải bỏ ra khắc phục hậu quả. Bản thân lại phải ngồi tù. Sau này còn mang cái mác “tiền án, tiền sự”. Nhưng tôi phải chấp nhận thôi vì đó là sai lầm của mình”. 
Cũng đã trải qua những tháng ngày đen tối khi phải ngồi tù, Tững (SN 2000, trú tại xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) đã dặn lòng mình sẽ không bao giờ “đụng” đến rượu bia khi cầm tay lái. Năm 2018, khi đã uống rượu say, Tững điều khiển xe máy gây tai nạn khiến 1 người tử vong. Khi Tững đi tù, cha mẹ đã phải bán đi mảnh đất duy nhất để có tiền đền bù cho gia đình bị hại. 
Nếu được làm lại…
Ngày tạm biệt cha mẹ để đi chấp hành án, Tững không giấu nổi những giọt nước mắt. Lúc ấy, Tững chỉ ước rằng: “Giá mình đừng đua đòi theo lũ bạn cùng làng để sắm xe xịn thì đâu có ngày hôm nay. Giá như thời gian có thể quay trở lại để mình không làm điều bồng bột ấy”.
Sau gần 12 tháng sau song sắt nhà tù đã khiến Tững nhận ra lý lẽ của cuộc sống. “Cha mẹ em đã khổ vì em quá rồi. Sau khi ra tù, em sẽ quyết tâm làm lại. Thanh niên sức dài, vai rộng nhưng em chưa đền đáp được công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, lại làm cha mẹ đau khổ, vất vả vì mình. Em sẽ cố gắng để bù đắp cho cha mẹ về những lỗi lầm em đã gây ra trong quá khứ”-Tững quả quyết.
Còn Khoa thì chia sẻ, việc đầu tiên sẽ làm sau khi mãn hạn tù là bắt chuyến xe khách về quê nhà Yên Bái để sà vào vòng tay mẹ. Hoàn cảnh khó khăn, Khoa đã sớm từ bỏ nghiệp đèn sách, chào từ biệt mẹ để vào Nam lập nghiệp.
“Mẹ tôi già rồi, lại thường đau yếu. Ngày rời quê hương, tôi từng hứa sẽ kiếm lưng vốn rồi về quê đỡ đần mẹ. Nhà còn đứa em gái thì lấy chồng xa. Bây giờ, một mình mẹ vò võ. Tôi chỉ mong đến ngày ra tù, được về nhà với mẹ và cố gắng làm ăn để trả khoản nợ hơn 100 triệu đồng mà người quen đã sẵn lòng giúp đỡ trong lúc hoạn nạn. Biết rằng có tiền án ra ngoài xin việc sẽ rất khó nhưng tôi sẽ quyết tâm. Nếu có làm nghề tài xế, tôi sẽ phải cẩn thận trên từng mét đường và ít nhất sẽ phải đi học thi giấy phép lái xe”-Khoa thổ lộ.
Ngày 15-11-2020 là ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Với thông điệp: “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại”, Ban an toàn giao thông tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động: thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ 10 gia đình nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân; các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh dành 1 phút tưởng niệm vào lễ chào cờ sáng thứ hai (ngày 9-11), phát thông điệp an toàn giao thông trên hệ thống phát thanh của trường vào đầu giờ và giờ tan học từ ngày 9 đến 14-11.
LÊ HÒA-VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm