(GLO)- Hàng loạt giải pháp quyết liệt đã được chính quyền và các ngành chức năng triển khai nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông song kết thúc năm 2013, tai nạn giao thông ở tỉnh ta vẫn tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2012.
Năm 2012, Gia Lai là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước giảm nhiều nhất số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT). Cụ thể, so với năm 2011, tỉnh ta giảm 19,53% số vụ, giảm 20,14% số người chết và giảm 2,38% số người bị thương. Đây là một kết quả rất đáng tự hào trong bối cảnh trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn càng ngày càng diễn biến phức tạp và cũng là động lực để tỉnh ta tiếp tục nỗ lực phấn đấu kéo giảm TNGT trong năm 2013.
Chỉ đạo quyết liệt
Ảnh: Tiến Dũng |
Có thể nói, không chỉ riêng năm 2013 mà từ nhiều năm qua, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn luôn là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát nhất, thường xuyên nhất, quyết liệt nhất của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các cấp chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh ta. Bằng chứng là chỉ tính đến đầu tháng 12-2013, các cấp, các ngành và đoàn thể trong tỉnh đã ban hành tới 337 văn bản các loại để chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác đảm bảo TTATGT. Trong đó, riêng UBND tỉnh đã ban hành 46 văn bản, Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh 67 văn bản và Công an tỉnh 60 văn bản tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông; siết chặt quản lý vận tải, phương tiện và người lái…
Điểm đáng chú ý trong năm 2013 là bên cạnh việc chỉ đạo chung, tùy vào tình hình thực tế từng thời điểm, UBND tỉnh và Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh còn chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các chuyên đề xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, kiềm chế tai nạn. Có thể kể ra đây các chuyên đề đã triển khai như: chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm (từ ngày 27-3 đến ngày 15-6); chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ ngày 1-7 đến ngày 30-9); chiến dịch tuyên truyền và mở đợt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ (từ ngày 5-10 đến ngày 31-12); chuyên đề phối hợp liên ngành tổng kiểm soát, xử lý xe ô tô chở quá khổ, quá tải (3 đợt); chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện (từ ngày 1-11 đến ngày 31-12)… Những chuyên đề này dẫu chưa đạt được kết quả như mong muốn song đã góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của đông đảo người dân khi tham gia giao thông, đồng thời hạn chế sự hư hỏng, xuống cấp của mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc chỉ đạo, điều hành, trong năm 2013, UBND tỉnh và Ban An toàn Giao thông tỉnh cũng thường xuyên tổ chức những đợt kiểm tra thực tế đối với các lực lượng thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Qua đó, nhiều hiện tượng tiêu cực đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, trong những hội nghị sơ kết công tác bảo đảm TTATGT được tổ chức hàng quý, lãnh đạo UBND tỉnh cũng nghiêm khắc nhắc nhở, phê bình lãnh đạo những địa phương để TNGT gia tăng.
Tai nạn giao thông vẫn tăng
Ảnh: Tiến Dũng |
Ngay từ đầu năm, mục tiêu đó đã đứng trước nguy cơ không thể đạt được. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, TNGT đã tăng đến 30,56% số vụ, tăng 43,18% số người chết và tăng 18,31% số người bị thương. Những tháng còn lại, dù các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh đã hết sức nỗ lực song kết thúc năm 2013, TNGT của tỉnh ta vẫn tăng cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2012. Cụ thể, theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, năm 2013, toàn tỉnh đã xảy ra 213 vụ TNGT, làm chết 236 người và bị thương 169 người. So với năm 2012, TNGT tăng 4 vụ, tăng 2 người chết và tăng 4 người bị thương. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn xảy ra 223 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 343 người (giảm 19 người bị thương so với năm 2012).
Qua phân tích cho thấy, năm 2013, có 5 địa phương trong tỉnh gồm: Ayun Pa, An Khê, Kbang, Chư Pưh và Đức Cơ giảm được cả số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Ngược lại, các huyện Ia Pa, Ia Grai, Phú Thiện, Krông Pa là các đơn vị TNGT tăng cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong số này, Phú Thiện là địa phương TNGT tăng cao nhất với 21 vụ, 25 người chết và 25 người bị thương (tăng 9 vụ, 11 người chết và 2 người bị thương so với năm 2012).
Đặt trong bối cảnh TNGT cả nước năm 2013 tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí thì kết quả trên của tỉnh ta là một điều hết sức đáng buồn. Càng buồn hơn nữa khi Gia Lai là một trong 4 tỉnh của cả nước để TNGT tăng cả 3 tiêu chí (cùng với các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Lai Châu). Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác an toàn giao thông năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Gia Lai cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm và có ngay những giải pháp kéo giảm TNGT trong năm 2014.
Tiến Dũng