Tai nạn lao động và những nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau những vụ tai nạn lao động, nhiều người còn có cơ hội sống sót nhưng phải mang dị tật, thậm chí có người phải sống cuộc sống thực vật cho đến cuối đời. Họ trở thành gánh nặng của người thân và xã hội vì không còn khả năng lao động.

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Cách đây gần 22 năm, anh Hoàng Văn Phùng (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) nguyên là kỹ sư lâm nghiệp thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Mơr, huyện Chư Prông bị tai nạn lao động đang trên đường đi làm. Từ đó đến nay, anh Phùng không còn đủ sức khỏe để đi làm mà ở nhà làm vườn ươm. Vụ tai nạn khiến anh bị chấn thương cột sống, mức thương tật 71,80%. Dù hàng tháng có được tiền trợ cấp 1,3 triệu đồng nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Chị Thủy-vợ anh Phùng cho hay: Từ lúc anh Phùng bị tai nạn, cuộc sống gia đình đảo lộn. Tôi đang làm cho một đơn vị của nhà nước khi anh bị tai nạn lao động tôi phải xin nghỉ việc, đi làm công nhân vệ sinh môi trường ở Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai để có thời gian chăm sóc anh và con cái. “Ước gì có một phép màu nào đó, chồng tôi trở lại lành lặn như xưa, đi lại vững vàng trên đôi chân của mình mà không phải chống nạng, để anh làm những công việc yêu thích, đỡ đần vợ con về kinh tế”-chị Thủy tâm sự.

Cách đây 6 năm, ông Phạm Văn Sáu, ở xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) là công nhân thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông bị tai nạn lao động bất ngờ ập đến. Ông Sáu cho hay, một lần trèo lên mái nhà đội sản xuất để sửa lại mái tôn, do bất cẩn đã rơi xuống đất khiến ông bất tỉnh. Chân phải của ông bị gãy phải dùng nẹp inox cố định cho đến cuối đời. Vụ tai nạn khiến ông sụn cột sống, thương tật 31%, hưởng chế độ 420.000 đồng/tháng. Hiện nay mọi sinh hoạt của ông hàng ngày đều phụ thuộc vào vợ con. Ông Sáu nói trong nước mắt: “Tôi đang khỏe mạnh, là trụ cột của cả gia đình, vậy mà giờ phải ngồi đây là gánh nặng cho vợ con, đúng là không còn gì bất hạnh bằng”.

 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh, tính riêng từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ tai nạn lao động làm 8 người chết, 4 người bị thương so với năm 2013 tăng 2 vụ.

Tất cả những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chiếm đến 85% là do sự bất cẩn của người lao động. Tai nạn lao động không chỉ làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động có năng suất cao nhất. Chính vì thế, bên cạnh việc phát động Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ vào tháng 3 hàng năm thì việc giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là công việc không đơn giản và không thể thực hiện một sớm, một chiều nhưng cải thiện tình trạng này là điều hoàn toàn có thể làm được.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động tỉnh cho biết: Có thể nói, sau những vụ tai nạn lao động không chỉ cướp đi sức khỏe, sinh mạng của rất nhiều người mà còn làm cho gia đình và xã hội thêm gánh nặng. Do vậy, để ngăn ngừa và giảm số vụ tai nạn lao động đau lòng kể trên thì việc tuyên truyền và huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và người sử dụng lao động là rất cần thiết. Làm tốt và thường xuyên công tác này là giải pháp quan trọng để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển và người lao động an toàn để sản xuất.

 Cũng theo bà Thanh, tại mỗi doanh nghiệp cần có và hoàn thiện bộ máy làm công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện đo kiểm môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tầm quan trọng và lợi ích của vấn đề bảo vệ sức khỏe người lao động, phát triển bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hình thành quỹ bồi thường tai nạn lao động và nâng cấp hệ thống y tế, phục hồi chức năng cho người lao động sau khi bị tai nạn.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm