Giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam năm 2010” được bà Gơi treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà sàn nằm sâu trong làng Brọch, xã An Trung (huyện Kông Chro, Gia Lai). Bà bảo: “Tôi không phải là người giàu có nhưng có gì ăn nấy, tôi ăn cơm thì lũ nó cũng được ăn cơm, tôi ăn rau lũ nó cũng ăn rau, sướng khổ đều có nhau và đứa nào tôi cũng cho đi học, biết chữ sau này còn biết làm ăn, xây dựng gia đình riêng”.
“Những năm kháng chiến, người dân xã Yang Trung rất khổ, toàn bộ đất trong làng, bọn địch đều quản lý hết, dân làng sợ phải trốn trong rừng sâu, thanh niên thì tham gia du kích xã. Người dân không có cái ăn, du kích xã phải đi đào củ rừng, hái quả rừng cho dân ăn qua cơn đói… Không chỉ tham gia hoạt động cách mạng, tiếp tế đạn dược cho bộ đội, Đinh Thị Gơi còn kiêm luôn vai trò nuôi hai em nhỏ vì bố mẹ chết sớm- dù thời ấy thực phẩm hàng ngày chỉ là củ, rau rừng.
Ảnh: Phương Dung |
18 năm trước, vào một buổi tối trời mưa, hai đứa trẻ- đứa lớn khoảng chừng 6 tuổi, còn đứa nhỏ 3 tuổi ướt sũng, cõng nhau đến dưới gầm sàn nhà bà Gơi rồi chẳng chịu rời đi. Ai hỏi gì chúng cũng không nói nhưng nếu hỏi đúng ý thì chúng gật đầu thay cho câu trả lời. Bà hỏi: Đi đâu? Cả hai đều không trả lời. Bà hỏi tiếp: Muốn ngủ ở đây à? Cả hai đều gật đầu đồng ý. Thương hai đứa trẻ run lên vì lạnh và đói, bà lấy quần áo khô thay cho chúng, cho chúng ăn cơm và cho ngủ qua đêm. Đến sáng, bà hỏi nhà của hai đứa trẻ để đưa chúng về trả cho gia đình nhưng cả hai chỉ khóc và một mực đòi sống ở đây cùng bà.
Thì ra, bố mẹ của em đều đã chết, chúng được một người bác ruột nhận về nuôi nhưng vì kinh tế gia đình cũng chẳng mấy dư dả, thiếu trước hụt sau nên anh em cõng nhau rời khỏi nhà đi lang thang. Và có lẽ đã là duyên phận nên chúng đã dừng chân đúng nhà mẹ Gơi.
Trong căn nhà nhỏ của mẹ, ngoài hai anh em Hà- Hiệp còn có tới 7 anh, chị khác đều là con nuôi của mẹ, được nuôi dưỡng đến khi trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng, cho chúng ra ở riêng, hướng dẫn chúng cách phát triển kinh tế gia đình. Mẹ bảo: “Chúng đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi không ai nuôi dưỡng nên mình thương và muốn cho chúng một cuộc sống có gia đình”.
Và, cuộc sống của những đứa trẻ không nơi nương tựa đã được mẹ Gơi nuôi dưỡng bằng tình yêu cao cả, thiêng liêng- tình yêu của một người mẹ. Đinh Dre-người con thứ ba, tâm sự: 15 tuổi, cha mẹ chết, mình và chị gái bơ vơ không nơi nương tựa. Mẹ Gơi- cùng làng lúc đó còn rất trẻ, không lập gia đình, đã dang rộng vòng tay đón nhận và cho chúng tôi một cuộc sống có mẹ, có gia đình. Rồi đến khi trưởng thành, mẹ lại vun vén, tích góp để có của “hồi môn” cho từng đứa con khi chúng lập gia đình, ra ở riêng.
Còn khuôn mặt của cô em út Đinh Thị Hiệp như nhòa đi bởi những dòng nước mắt- khi chúng tôi nhắc lại quá khứ của hai anh em, em xúc động: “Nếu trước đây em chỉ có hai anh em thì bây giờ em có một đại gia đình với rất nhiều anh chị em và các cháu. Cảm ơn mẹ đã cho hai anh em một cuộc sống ấm no, vui vẻ. Cảm ơn mẹ đã cho anh trai em một gia đình mới”…
Dù là con trai hay con gái, mẹ đều chỉ bảo rất tận tình để sau này chúng có thể tự lập, lo cho cuộc sống riêng. Riêng với con gái, mẹ luôn dặn dò: Không chỉ giỏi gùi nước, đốn củi, con gái dân tộc Bahnar thì phải biết dệt thổ cẩm để sau này bắt chồng có thể dệt được những tấm vải thổ cẩm truyền thống ưng ý… Giờ đây, mẹ Gơi đã phần nào yên tâm về cuộc sống của những đứa con, vì “lũ nó bây giờ không giàu có nhưng kinh tế đã ổn định”. Và, trong ngôi nhà sàn vốn rất rộng rãi giờ đã chật đi nhiều, phần vì các con lớn lên đều đã lập gia đình riêng.
Mẹ Gơi giờ cũng đã lên chức bà với 14 đứa cháu, lên chức cụ với 4 đứa chắt sớm hôm quây quần. Đinh Hà- đứa trẻ lang thang ngày nào giờ cũng đã lập gia đình và đã là bố của con trẻ… Con cái trưởng thành, mẹ vẫn không ngừng nghỉ với công tác xã hội, thường xuyên vận động người dân trong làng cho con đến trường học cái chữ, có trình độ để còn biết làm ăn giỏi.
Phương Dung