Chính trị

Tin tức

Tầm nhìn Nhật Bản trong chuyến thăm của Thủ tướng Kishida đến Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việt Nam và Nhật Bản được coi là những đối tác tự nhiên trong việc thúc đẩy an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, đổi mới và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp gỡ báo chí sau hội đàm, tại Hà Nội sáng 1/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)



Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (30/4 đến 1/5) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trên trang mạng Modern Policy, Tiến sỹ Pankaj Jha, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ, đã cho rằng Việt Nam và Nhật Bản được coi là những đối tác tự nhiên trong việc thúc đẩy an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, đổi mới và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết này.

Ông Kishida tới thăm Việt Nam sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Suga đã thăm Việt Nam vào năm 2020.

Việt Nam hiện nổi lên là một trong những nền kinh tế quan trọng với nhiều triển vọng của Đông Nam Á và cũng là một trong những điểm đến của các mặt hàng xuất khẩu quốc phòng của Nhật Bản. Chuyến thăm này diễn ra gần 5 tháng sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 11/2021.

Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với ông Kishida và bày tỏ sự đánh giá cao hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Nhật Bản, các vấn đề chiến lược như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, phát triển thương mại quốc phòng đã được thảo luận chi tiết. Việt Nam quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot và phát triển các vệ tinh ngoài không gian của nước này.

Trong chuyến thăm năm ngoái của Thủ tướng Việt Nam, một số thỏa thuận đã được ký kết, bao gồm chuyển giao công nghệ, phát triển liên kết doanh nghiệp và báo cáo hoạt động đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Có thể thấy rằng sự hợp tác giữa hai nước chủ yếu dựa trên việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư thay thế, phát triển y tế và cơ sở hạ tầng liên quan, nghiên cứu các nguồn năng lượng tái tạo và tìm kiếm các cách thức hiệu quả hơn để thúc đẩy thăm dò dầu khí.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam nhằm xem xét, đánh giá hoạt động hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như phát triển khu công nghệ, khu công nghiệp chế xuất các sản phẩm phần mềm xuất khẩu, hội nhập vào cơ sở hạ tầng thương mại Nhật Bản, làm sống lại quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ, đồng thời đánh giá khả năng hợp tác về quản lý kỹ năng, đào tạo nghề và thúc đẩy du lịch giữa hai nước.

Đối với nhiều người Nhật Bản, ngay cả trong thời kỳ đầu khôi phục đường bay quốc tế, Việt Nam là một trong những điểm đến được ưa thích nhất cho các kỳ nghỉ và du lịch.

Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế phương Tây vẫn đang trì trệ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine khiến ngành dầu khí trên toàn thế giới chịu nhiều áp lực, hai nước cần hợp tác hơn nữa trên lĩnh vực xe điện, quản lý định mức phát thải và tìm cách sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn.

Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là duy trì cung cấp điện thường xuyên ở các đảo, trong khi Nhật Bản là quốc gia rất tích cực phát triển các nguồn tài nguyên ở các đảo để sản xuất điện và chưng cất nước.

Nhật Bản cũng đã ký một thỏa thuận với Ấn Độ về sản xuất điện ở quần đảo Aandaman và Nicobar và do đó, Việt Nam cần tính toán việc tìm kiếm các chuyên gia của Nhật Bản trong các lĩnh vực này.

Mặt khác, Nhật Bản đang xem xét đầu tư vào các nước như Việt Nam, Campuchia và Lào trong bối cảnh đầu tư vào Trung Quốc đã đạt mức trần và sau COVID-19, đa dạng hóa đầu tư đã trở thành ưu tiên của nhiều nước phát triển.

Tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông là vấn đề đáng quan tâm của cả Nhật Bản và Việt Nam và do đó cần có sự phối hợp và hợp tác tốt hơn giữa hai nước.

Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải của Việt Nam và việc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) giúp Việt Nam tăng cường năng lực an ninh mạng.

Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực mã hóa, thông tin liên lạc bảo mật, máy bay giám sát hàng hải tiên tiến và hệ thống cảm ứng dưới nước tinh vi.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Nhật Bản, hai nước đã nỗ lực tìm kiếm hợp tác trong các lĩnh vực như vũ trụ và an ninh mạng. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nhật Bản sẽ xem xét các lĩnh vực liên quan khác mà hai nước có thể cùng hợp tác.

Cả hai quốc gia đều mong muốn cải thiện trao đổi thương mại và do đó, việc thực hiện quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực và thúc đẩy thương mại khu vực là ưu tiên của cả hai chính phủ.


 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)



Giới học giả cũng đề xuất rằng có thể hình thành một tam giác hợp tác ba bên giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam với tính khả thi cao nhằm khai thác các lĩnh vực như phát triển các sản phẩm công nghệ cao cấp, công nghệ phần mềm, hệ thống máy tính, máy chế biến cao cấp, công nghệ đóng gói và dây chuyền lạnh, và phát triển kết nối kỹ thuật số giữa các khu vực.

Nếu nhìn vào chính sách đối ngoại của Nhật Bản, ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy việc vừa mở ra các mặt trận mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản và vừa đảm bảo an ninh quốc gia.

Một trong những nền tảng quan trọng của chính sách ngoại giao khu vực Nhật Bản là phát triển quan hệ ngoại giao với các nước châu Á và các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Nhật Bản đã theo dõi sát những quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn tác động của COVID-19 và đề nghị hỗ trợ y tế để tiến hành nghiên cứu đối với loại virus chết người này.

An ninh kinh tế cũng trở thành một trong những khía cạnh quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản và nước này cũng đang nỗ lực phát triển trật tự kinh tế tự do và công bằng với các nền kinh tế đang phát triển.

Nhật Bản cũng đã và đang hỗ trợ các sáng kiến khu vực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như sinh vật biển, hạn chế nhựa biển, bảo tồn các công viên đa dạng sinh học và thúc đẩy bình đẳng giới.

Việt Nam có nhiều sáng kiến trong khu vực Đông Dương đã được Nhật Bản đánh giá cao và Việt Nam cũng đang tìm kiếm các cách thức đầu tư hiệu quả hơn ở các nước khác như Lào và Campuchia.

An ninh kinh tế của Nhật Bản đòi hỏi đa dạng hóa đầu tư vào những khu vực có lao động rẻ và được tạo điều kiện trong việc thu hồi đất để xây dựng các cơ sở sản xuất.

Nhật Bản đang tìm cách khai thác thị trường Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa đối tác thương mại để đồng thời phát triển hợp tác thương mại giữa hai nước hiệu quả hơn.

Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1973 và sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Quan hệ đối tác chiến lược được ký kết giữa hai nước cũng đã triển khai được gần 8 năm.

Nhật Bản là một trong những nước viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 42,7 tỷ USD và đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là 64,4 tỷ USD.

Hàn Quốc và Singapore là hai nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Việt Nam của cựu Thủ tướng Suga vào năm 2020, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh. Đây được coi là một bước tiến lớn trong lĩnh vực an ninh của hai nước.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng các đại biểu chụp ảnh chung tại hội thảo hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong đổi mới công nghệ, tại Hà Nội, sáng 1/5/2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)



Hai nước đều nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh cũng như thúc đẩy tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp. Việt Nam cũng tích cực ủng hộ vai trò đầu tàu của Nhật Bản trong khu vực và đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việt Nam và Nhật Bản được coi là những đối tác tự nhiên trong việc thúc đẩy an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, đổi mới và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.


 

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm