Kinh tế

Tam nông ở Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2011, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa được Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh chuyển giao nhiều mô hình và cách làm mới trong phát triển kinh tế. Người dân Hà Đông xem dự án là “bà đỡ” giúp họ thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất còn nhiều gian khó này.

Cú hích từ một dự án

Từ lâu, mỗi khi nhắc đến 2 chữ Hà Đông, nhiều người không khỏi ái ngại vì đường sá đi lại khó khăn. Do phần lớn dân số của xã là đồng bào dân tộc Bahnar nên sản xuất người dân nơi đây chủ yếu tự cung tự cấp, nông sản làm ra thì bị tư thương ép giá…

 

Nghiệm thu đường bê tông do dự án hỗ trợ. Ảnh: N.D

Năm 2011, Hà Đông là một trong 5 xã của huyện Đak Đoa được Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai chọn tham gia thực hiện dự án để tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp đặc thù của địa phương và thị trường. Đây được xem là cơ hội giúp người dân Hà Đông thay đổi nhận thức trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, từng bước vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững.

Để dự án đi vào hoạt động đúng mục đích, UBND xã Hà Đông đã thành lập Ban Phát triển xã và xây dựng các nhóm chung sở thích về sản xuất nông nghiệp. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay các hoạt động của Dự án đã được người dân tiếp nhận và nhiệt tình tham gia. Các nhóm chung sở thích trồng bời lời, nuôi bò sinh sản... đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Việc thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế là một trong những thành công lớn giúp người dân được hưởng lợi. Nếu như trước đây, các sản phẩm nông nghiệp do nông dân trong xã làm ra như mì, bời lời, lúa rẫy, chăn nuôi bò… chỉ bán cho các quán trong làng và khu trung tâm xã. Vì vậy, chuyện nông sản bị ép giá hoặc bán giá thấp hơn thị trường là điều khó tránh khỏi. Từ khi Dự án nông nghiệp, nông dân và nông thôn hỗ trợ và tìm đầu ra phương án sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, người dân Hà Đông đã tiếp cận và thực hiện đúng với mục tiêu đã đặt ra.

Nông dân làm chủ nguồn vốn

Giữa trưa nắng, tình cờ chúng tôi gặp anh Thôl-làng Kon Pơ Dram, nhóm trưởng nhóm chung sở thích trồng bời lời đang kiểm tra kho chứa vỏ cây bời lời khô do nhóm thu mua của người dân. Anh vui vẻ nói: Nhóm chung sở thích trồng bời lời chúng tôi có 15 hộ, tài sản của nhóm là cây bời lời. Trước đây, mỗi khi đến kỳ thu hoạch, hầu hết người dân trong làng chỉ bán cho các quán rồi họ khai thác và bán đi nơi khác giá cao hay thấp không ai biết. Vì vậy, bà con bị ép giá hoặc bán giá thấp. Năm 2015, được Dự án nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, cả nhóm cùng chia nhau đi thu mua lại sản phẩm vỏ bời lời của bà con với giá cao hơn 1.000-2.000/ kg đồng, giúp họ có thêm chút thu nhập. Điều này đã kích thích bà con tìm đến nhóm để bán sản phẩm. Từ số vốn được hỗ trợ, đến nay nhóm đã lời được 10 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, số tiền này chúng tôi nhập vào quỹ hỗ trợ của Dự án để tiếp tục thu mua bời lời cho bà con.

Trong khi đó, anh Nin-nhóm trưởng nhóm nuôi bò ở làng Kon Ma Ha tự hào khoe: Nhóm chúng tôi có 15 hộ chung sở thích nuôi bò sinh sản, mọi người đều quyết tâm thoát nghèo từ việc nuôi bò. Năm 2015, được dự án hỗ trợ 40 triệu đồng, cả nhóm quyết định mua 3 con bò cái sinh sản về chia cho 3 tổ (mỗi tổ 5 người) nuôi chung một con. Sau khi bò cái sinh sản sẽ quay vòng cho từng hộ. Hiện nay, bò đang nuôi rất tốt chỉ chờ đến ngày sinh sản. Mới đây, cả nhóm đã góp thêm 15 triệu đồng bổ sung vào nguồn của dự án, tiếp tục mua bò sinh sản về cho các nhóm nuôi. Hàng tháng, các thành viên trong nhóm đều đóng góp mỗi người 10 ngàn đồng để làm quỹ sinh hoạt.

Ông Chiên-Chủ tịch UBND xã Hà Đông, kiêm Trưởng ban Phát triển xã cho biết: Dự án nông nghiệp, nông dân và nông thôn được thực hiện trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả rất lớn, giúp bà con thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp họ thoát nghèo theo hướng bền vững.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm