(GLO)- Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hàng năm, Hội Nhà báo Việt nam đều tổ chức chuyến đi về nguồn tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được chiêm ngưỡng cảnh quan, con người và hồi tưởng về một thời khắc lịch sử của cách mạng.
Tại huyện Sơn Dương, điểm đến của chúng tôi là xã Tân Trào, nơi Bác Hồ từ Pắc Pó (Cao Bằng) về lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nơi đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đã diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Ngày 16-8-2012, tại xã Tân Trào đã diễn ra sự kiện đặc biệt: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Cây đa Tân Trào-nơi diễn ra Quốc dân Đại hội. |
Tân Trào trở thành tên gọi quen thuộc của nhân dân cả nước với các địa chỉ như: đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ-Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man-Lũng Tẩu, Khấu Lẩu-Vực Hồ, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ... Tân Trào hôm nay không những trở thành khu du lịch lịch sử-văn hóa và sinh thái mà còn thể hiện rõ một mô hình nông thôn mới.
Đường từ thị trấn huyện vào xã và đường nối các thôn, xóm, điểm du lịch được rải nhựa và bê tông rất dễ đi. Dọc đường đi, chúng tôi thấy các thôn, bản, nhà sàn của dân được cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc. Dưới mái nhà sàn, không còn các cối xay, cày chìa vôi như ngày xưa, mà thế chỗ vào đó là máy xay xát, máy cày, máy bừa… Tại trung tâm xã có các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán đủ các loại hàng hóa phục vụ khách du lịch và người dân tại chỗ.
Chúng tôi đến thăm đền Hồng Thái, thăm lán Nà Nưa, đi dọc suối Khuôn Pén, nghe người hướng dẫn du lịch kể lại câu chuyện về Bác Hồ trong giờ phút lịch sử tại Đại hội Quốc dân vào ngày 17-8-1945, sau một ngày Quốc dân Đại hội khai mạc dưới mái đình Tân Trào, đứng bên tảng đá trước cửa đình đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi, những người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!” mà lòng thêm tự hào. Tại lán Nà Nưa, chúng tôi được nghe chuyện Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ nghìn năm đã đến, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”… Và chúng tôi cũng được thấy hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 trước toàn quân, tưởng như mình đang cùng các chiến sĩ Quân đội Nhân dân anh hùng đang xuất kích.
Chúng tôi được đồng chí Viêm Tiến Thắng-Chủ tịch UBND xã cho biết: Cán bộ, nhân dân các dân tộc xã Tân Trào luôn luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đưa lên hàng đầu bằng hàng loạt giải pháp, trong đó tập trung vào việc nâng cao trình độ người dân, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn xã hôm nay đã hình thành vùng chuyên nuôi thủy sản rộng gần 200 ha; gần 100 gia đình có trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản và vùng chuyên canh lúa đặc sản và cây rau màu năng suất cao. Xã có 90 ha lúa nước, năng suất bình quân đạt trên 6,5 tấn/ha. Bà con trong xã nuôi hàng ngàn con trâu, hàng ngàn con lợn, gần hai chục ngàn con gia cầm.
Riêng vùng chuyên canh lúa đặc sản và cây rau màu đã đạt mức thu nhập hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân trong xã còn dệt may các mặt hàng thổ cẩm như áo, khăn, hàng mây tre đan; bán cơm lam; tôn tạo nhà sàn dùng làm nơi ngủ trọ phục vụ khách du lịch. Mức thu nhập của người dân ngày một nâng cao với 576/918 hộ đạt từ mức khá trở lên, số còn lại đủ ăn hoặc chỉ còn thiếu thốn chút ít. Riêng lương thực đã đạt trên 500 kg/người/năm. Gần 200 gia đình xây nhà mái bằng như dân miền xuôi. 60% số hộ có xe máy. 4 thôn trong xã được công nhận là “làng văn hóa” có thư viện và sân vận động. Tân Trào có bệnh viện đa khoa khu vực đóng trên địa bàn nên rất tiện lợi cho việc khám-chữa bệnh cho nhân dân. Xã có đủ các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông vừa học vừa làm thu hút gần 100% số trẻ trong độ tuổi đến học. Mỗi năm, xã đón hàng vạn lượt du khách quốc tế và đồng bào cả nước tới tham quan, du lịch.
Lê Văn