Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Hội nghị là cơ hội để ngành y tế nhìn lại quá trình thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT; đánh giá tổng quát thực trạng tổ chức thực hiện Thông tư tại các cơ sở y tế, từ đó rút ra những kinh nghiệm hay cũng như các biện pháp khắc phục những tồn tại nhằm tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh tại các bệnh viện.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở y tế, bởi khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin với cơ sở y tế.

Vì vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải luôn được quan tâm và xây dựng thành những chương trình hành động với kế hoạch cụ thể.

Theo Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí thuốc điều trị.

Cùng với sự xuất hiện một số bệnh gây ra bởi những vi sinh vật kháng thuốc hoặc bởi những tác nhân gây bệnh mới, nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn là vấn đề nan giải ngay cả ở các nước đã phát triển.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện trên thế giới chiếm từ 5-10% số người nhập viện. Tại các khoa hồi sức cấp cứu, con số này cao hơn nhiều, từ 35,2-44%.

Bên cạnh nhiễm khuẩn bệnh viện, tình hình bệnh dịch do các tác nhân gây bệnh đang bùng phát như HIV, lao, H5N1, các vi sinh vật đa kháng làm cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống bệnh dịch trở thành mối quan tâm của mọi hệ thống y tế.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có đánh giá đầy đủ và có hệ thống nhưng từ năm 1997, Bộ Y tế đã nhận thức đúng tầm quan trọng và ban hành quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT-BYT hướng dẫn tổ chức công tác nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Qua 5 năm thực hiện, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được hình thành và đi vào hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đáng kể đầu tư cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy cơ sở hạ tầng, phương tiện phục vụ cho kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây đã được cải thiện đáng kể.

Công tác thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn đã có nhiều hoạt động chuyên sâu như giám sát về tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hiện mắc, mắc mới, giám sát bùng phát dịch, giám sát sử dụng kháng sinh…

Tuy vậy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn còn nhiều thách thức như nguồn lực kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, đa số đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa được đào tạo chuyên ngành nên kiến thức và năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn chế, công tác kiểm soát bệnh viện vẫn còn những tồn tại nhất định...

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã phát động phong trào bệnh viện vệ sinh với các nội dung cơ bản như tăng cường tuân thủ vệ sinh tay; tăng cường cải tạo, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh để bảo đảm người bệnh được chăm sóc an toàn, tiện nghi thoải mái khi tới khám và điều trị tại bệnh viện.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm