(GLO)- Lời Tòa soạn: Sau 9 năm đi vào cuộc sống, Ngày Pháp luật Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Nhân dịp này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Ngọc Lam-Giám đốc Sở Tư pháp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua.
* P.V: Bà có thể khái quát một số điểm nổi bật trong việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam ở tỉnh ta?
Bà Lê Thị Ngọc Lam. Ảnh: Lê Anh |
- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Trong những năm qua, các ngành, địa phương đã có sự quan tâm trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; lựa chọn hình thức, nội dung triển khai phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngay từ cuối năm 2020, Sở Tư pháp-cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam lồng ghép với kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021; trực tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nội dung và hình thức phù hợp, tập trung cao điểm là tháng 10 và 11-2021. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy lùi dịch bệnh; tập trung một số hoạt động như: phổ biến pháp luật thông qua hình thức trực tuyến; tổ chức phiên tòa giả định; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, viết tin, bài tuyên truyền pháp luật; biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật; vận động hưởng ứng, tham gia và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; treo băng rôn, pa nô với các khẩu hiệu tuyên truyền; tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội...
Sở Tư pháp đã biên soạn, biên tập và cấp miễn phí 9.000 tờ gấp nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với nội dung “Nghiên cứu, học tập và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc”; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các bộ, ngành, địa phương tổ chức; trực tiếp tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật với các chủ đề liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thông tin trên môi trường internet và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nhìn chung, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 được triển khai khá đa dạng và mang tính tích cực hơn những năm trước, tạo hiệu ứng tốt trong cải thiện nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
* P.V: Theo bà, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam còn những hạn chế nào?
- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Theo tôi, vấn đề này xuất phát từ một số nguyên nhân chính. Cụ thể, Gia Lai là một tỉnh miền núi, nhiều nơi còn khó khăn về kinh tế, trình độ hiểu biết của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Điều đó có tác động không nhỏ đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa hình thành thói quen chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp cận pháp luật mà chỉ quan tâm khi có phát sinh vấn đề pháp lý liên quan. Cùng với đó, lực lượng thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật ít thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nên hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nhất là với đối tượng không hiểu, không nói được tiếng phổ thông hoặc mức độ hiểu, nói tiếng phổ thông còn hạn chế. Ngoài ra, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng còn hạn chế, chưa có sự đổi mới trong cách thức thực hiện để thu hút sự quan tâm của người tham gia.
Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải dừng lại, không thể triển khai theo kế hoạch công tác đã xác định từ đầu năm. Do đó, số lượng các hoạt động và mức độ tác động đến đối tượng thụ hưởng còn hạn chế.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) trao đổi về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
* P.V: Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn thì cần thực hiện những giải pháp nào, thưa bà?
- Bà LÊ THỊ NGỌC LAM: Theo tôi, các ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng để có sự đầu tư về nguồn lực, nhất là kinh phí triển khai và nhân lực thực hiện; tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thông thạo tiếng dân tộc thiểu số để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tác động đến nhận thức, ý thức của người dân.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát hiện những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp khắc phục kịp thời; nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đồng thời, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai cũng như phê bình, kiểm điểm đối với các hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
* P.V: Xin cảm ơn bà!
LÊ ANH (thực hiện)