Tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh trong mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bệnh đau mắt đỏ cũng đang hoành hành và có nguy cơ bùng phát thành dịch khi ngày càng có nhiều người dân nhiễm bệnh và có mức độ lây lan nhanh ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Xung quanh vấn đề này, bác sĩ MAI XUÂN HẢI-Giám đốc Sở Y tế, cho biết:
 

 

Chỉ trong 2 tháng đầu mùa mưa (tháng 6, 7-2013), sốt xuất huyết (SXH) đã xuất hiện tại 15/17 huyện, thị xã, thành phố, 50/222 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 266 trường hợp, tập trung nhiều ở TP. Pleiku, Đức Cơ, Chư Prông và hiện đã xuất hiện tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Theo đó, nếu không làm tốt công tác phòng-chống cũng như khống chế và xử lý dứt điểm các ổ bệnh thì khả năng phát sinh dịch SXH trên địa bàn tỉnh là có thể xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tăng cường công tác giám sát dịch tễ, bệnh nhân, huyết thanh, véc tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng; đảm bảo 100% số ca mắc SXH được giám sát và báo cáo theo quy định. Đồng thời xác định các vùng có yếu tố nguy cơ cao, các điểm hay xảy ra dịch trước đây, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các bệnh viện, trung tâm y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình người bệnh nhập viện điều trị do SXH, phân tích, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị; đặc biệt chú ý đến các trường hợp nặng, hạn chế tối đa tử vong. Khi có trường hợp bệnh nhân nặng thì thông tin nhanh và kịp thời về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để đảm bảo lấy được mẫu xét nghiệm đồng thời chuẩn bị đầy đủ mọi nguồn lực, giường điều trị, thuốc, dịch truyền để xử lý kịp thời khi xảy ra dịch lớn.
 

 

Trong 10 ngày trở lại đây, bệnh đau mắt đỏ trở thành mối lo ngại đối với người dân trong tỉnh, ngành Y tế đã có kế hoạch triển khai phòng-chống bệnh đau mắt đỏ như thế nào, thưa ông?

Bác sĩ MAI XUÂN HẢI: Theo báo cáo giám sát của các Trung tâm Y tế Dự phòng tại một số tỉnh thành trong cả nước đang xuất hiện nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) do vi rút adeno, có nguy cơ gia tăng, lan rộng trong cộng đồng. Tại Gia Lai, bệnh tập trung tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pah, Chư Sê và TP. Pleiku. Để chủ động phòng-chống và không để dịch bùng phát, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện một số công tác trọng tâm.

Theo đó, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cần chủ động phối hợp với các bệnh viện, Trung tâm Y tế và Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thông tin 2 chiều để triển khai giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn. Đặc biệt, tại các nhà trẻ, trường học tổ chức triển khai các biện pháp phòng-chống, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp bị bệnh, không để bệnh lây lan, bùng phát. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư hóa chất chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám-chữa bệnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình bệnh nhân nhập viện điều trị do đau mắt đỏ; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế…
 

 

Là người đứng đầu ngành Y tế của tỉnh, ông có những khuyến cáo cụ thể nào để mỗi người có thể tự phòng bệnh một cách hữu hiệu?

Bác sĩ MAI XUÂN HẢI: Đối với bệnh SXH, người dân vùng có SXH cần tự giác và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng-chống SXH như: ngủ màn, sử dụng hóa chất diệt muỗi nếu có; tích cực diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình; tích cực làm vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước thừa như: vỏ lon, lốp xe… để muỗi không còn chỗ đẻ trứng. Ngoài ra, nếu phát hiện mình và người thân trong gia đình có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng không hạ, đau đầu, đau hố mắt, đau cơ, xuất hiện các chấm xuất huyết… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Đối với bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thường xuyên rửa mặt hàng ngày bằng nước sạch, khăn sạch riêng, tốt nhất giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường; không dùng chung vật dụng, nhất là khăn mặt, kính mắt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của người bệnh như: thau, chậu, bát, thìa, cốc, chén… và tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ. Khi có biểu hiện bị bệnh lây mắt đỏ như: kích thích chảy nước mắt, ngứa rát mắt, đỏ mắt, có ghèn, người dân nên đến khám tại các cơ sở khám-chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý, tránh tự mua thuốc về nhỏ gây ra biến chứng nguy hiểm…

Xin cảm ơn ông!

Thu Huế (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm