(GLO)- Ngày 14-2-2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh có Công văn số 392/UBND-NL về việc tăng cường công tác thanh-kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Thực hiện Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr ngày 20-1-2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra chất lượng VTNN và ATTP tại các cơ sở, đại lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các chợ đầu mối và chợ buôn bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguy cơ kém chất lượng, mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong năm 2014 và các năm tiếp theo, tập trung vào lĩnh vực chất lượng VTNN và ATTP có trọng tâm, trọng điểm từ cơ sở sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm:
Đối với chất lượng vật tư nông nghiệp: Thanh tra, kiểm tra giống cây trồng kể cả cây lâm nghiệp, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Đối với an toàn thực phẩm: Thanh tra, kiểm tra các loại sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người như rau, củ, quả, chè,… chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc, chứa tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép hoặc chất cấm.
Tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở được đánh giá xếp loại C theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cần phát hiện loại sản phẩm, công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ có nhiều sai phạm về chất lượng VTNN và ATTP để tập trung xử lý triệt để.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP theo các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các nội dung sau:
Truy suất nguồn gốc, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có vi phạm.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của các tổ chức tái phạm.
Chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm với tính chất và mức độ nghiêm trọng cho cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật.
Tổng hợp báo cáo về công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng và năm về Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Sở Công Thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản lưu thông trên thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Sở Y tế: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người nông dân nhằm tạo ra sản phẩm sạch ngay từ công đoạn sản xuất.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ Quy định việc xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác quản lý về chất lượng, vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn; bố trí cán bộ chuyên trách nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý về chất lượng vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản và rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn; thực hiện tốt quy định về đăng ký kinh doanh của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm theo đúng qui định của pháp luật.
Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác quản lý, giám sát chất lượng, vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản; thường xuyên kiểm tra và phối hợp với các cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn quản lý.
Các sở, ngành và đơn vị liên quan: Trong quá trình triển khai thực hiện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc đơn vị, xử lý nghiêm theo pháp luật đối với cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi bao che, thông đồng, bảo kê.