Kinh tế

Tăng cường phối hợp trong phòng-chống gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cơ quan chức năng. Song tình trạng chồng chéo, thiếu sự thống nhất giữa các đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã gây rất nhiều khó khăn, phiền nhiễu cho doanh nghiệp.

Bởi vậy, việc ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh của UBND là cần thiết.

 

Kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu.
Kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xăng dầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã thực hiện kiểm tra gần 1.400 vụ, qua đó xử lý vi phạm 980 vụ với tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 2,1 tỷ đồng. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu về gian lận thương mại 523 vụ, vi phạm trong kinh doanh 423 vụ, buôn bán hàng cấm 5 vụ, buôn bán hàng nhập lậu 9 vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm 20 vụ.

Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tuy nhiên trong cuộc họp cách đây chưa lâu của Ban Chỉ đạo 127 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh) nhằm lấy ý kiến đóng góp của các thành viên cho Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác này như: chậm trễ, không chặt chẽ và chưa kịp thời giữa các ngành trong công tác phối hợp, lực lượng cán bộ thì vừa thiếu vừa yếu, để xảy ra tình trạng lộ thông tin, đánh động để một số đối tượng trốn tránh…

Đặc biệt, việc tổ chức các đoàn kiểm tra thiếu sự thống nhất giữa các ngành, dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về việc phải mất khá nhiều thời gian để tiếp hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác ở cùng chung một nội dung kiểm tra. Và thực tế thì trước đây, các thành viên Ban chỉ đạo chỉ tổ chức phối hợp riêng lẻ giữa các ngành, các lực lượng với nhau mà chưa có quy chế phối hợp chung giữa các ngành.

Vì vậy, việc triển khai quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (theo Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là vô cùng cần thiết để khắc phục được những tồn tại trên. Theo đó, ngày 22-5, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

 

 

Quy chế phân định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và các vi phạm khác. Đồng thời, các mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được gắn kết chặt chẽ hơn, tăng cường hơn.

Giám đốc Sở Công thương với vai trò là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, lực lượng giữa các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo quy chế này trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo 127 chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh để tạo sự thống nhất trong việc chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời kiến nghị với các sở, ngành, địa phương các giải pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt vào những thời điểm nhạy cảm, địa bàn trọng điểm; thực hiện các biện pháp xử lý đối với những vụ việc vi phạm thuộc thẩm quyền, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có biện pháp xử lý đối với những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều sở, ban, ngành và địa phương.

Sở Công thương chịu trách nhiệm chủ trì sự phối hợp trong công tác quản lý và kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên các lĩnh vực: kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, khoáng sản, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, xúc tiến thương mại, dịch vụ thương mại, quản lý cạnh tranh, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Quy chế, Chi cục Quản lý Thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, dịch vụ, lưu thông hàng hóa trong nước; chống sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; chống đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt, tăng giá quá mức; các vi phạm về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; ghi nhãn hàng hóa và các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái phép khác; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật...

Các ngành khác như: Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh…, tùy theo đặc thù chức năng của ngành mà có trách nhiệm khác nhau.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng cam go và phức tạp, cần hơn nữa sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để công tác này được thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm