Kinh tế

Tăng cường quản lý, sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một thực tế không thể phủ nhận là công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty TNHH một thành viên nông-lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ (nông-lâm trường quốc doanh) trên địa bàn tỉnh sau chuyển đổi còn nhiều bất cập. Tình trạng dân lấn chiếm đất đai để xây dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp, thậm chí một số vụ lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp gây mất an ninh nông thôn và trật tự xã hội đã xảy ra. Việc tăng cường quản lý nguồn đất là cần thiết để chấn chỉnh các sai phạm, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các đơn vị này.
 

Ảnh: Minh Thi

Từ khi chuyển đổi mô hình, nhiều nông-lâm trường quốc doanh, tuy đã có nhiều nỗ lực, song vẫn còn khó khăn. Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Chiêng, huyện Mang Yang chuyển đổi từ mô hình lâm trường sang công ty lâm nghiệp từ năm 2007, đến 2011 lại chuyển đổi thành mô hình công ty TNHH một thành viên, hiện đang quản lý khoảng 18 ngàn ha rừng và bước đầu khai thác có lãi (năm 2012 tổng doanh thu hơn 8,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng). Tuy vậy, vì hoạt động vẫn theo cơ chế cũ, một nửa làm kinh doanh, một nửa làm công ích nên đơn vị gặp khá nhiều trở ngại. Hoạt động sản xuất chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao do thiếu vốn (không có tài sản thế chấp). Ngoài ra, nhiều tồn tại về quản lý sử dụng đất đai chậm được khắc phục, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính và quy hoạch sử dụng đất.

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nông-lâm trường khác. Thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi các nông-lâm trường thành 3 công ty TNHH một thành viên nông nghiệp, 11 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, 20 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 vườn quốc gia và 1 khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển chính quyền cấp xã quản lý 334.463 ha. Sau khi sắp xếp, cơ cấu vốn điều lệ của các công ty TNHH một thành viên nông-lâm nghiệp rất nhỏ, bình quân đạt 4,87 tỷ đồng/đơn vị. Bên cạnh đó, do cơ chế hoạt động của các công ty lâm nghiệp chủ yếu dựa vào chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên được giao hàng năm, nhưng riêng trong năm 2012, chỉ có 2 công ty có chỉ tiêu khai thác, còn lại 9 công ty không có chỉ tiêu, do vậy, không có kinh phí hoạt động. Ngoài ra, công ty nào cũng trong tình trạng thiếu kinh phí cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, cắm mốc ranh giới, chỉnh lý biến động đất đai; không có kinh phí cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... Tài nguyên rừng giao cho các công ty nông-lâm nghiệp là rất lớn, nhưng do nguyên nhân nêu trên mà việc kiểm soát quản lý không được bài bản. Điều này cũng đã được Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin đánh giá tại cuộc làm việc cách đây chưa lâu với Phó Thủ tướng Võ Văn Ninh trong chuyến làm việc tại Gia Lai.

Ảnh: Minh Thi

Điều đó còn được lý giải nguyên nhân của tình trạng dân lấn chiếm đất đai để xây dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp, một số vụ lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp gây mất an ninh nông thôn và trật tự xã hội. Để chấn chỉnh các sai phạm, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, các nông-lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất đai của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông-lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá lại hiện trạng quản lý, sử dụng đất của đơn vị so với diện tích đã được Nhà nước giao đất, xác định diện tích đất sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích và trái quy định của pháp luật, diện tích không sử dụng, diện tích đất để dân lấn chiếm sản xuất và xây dựng nhà ở. Giải quyết dứt điểm các vụ việc dân lấn chiếm, tranh chấp đất đai với đơn vị. Các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý, giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở, không để vụ việc kéo dài gây phức tạp và mất an ninh trật tự ở nông thôn.
 

Trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng được nhấn mạnh với nhiệm vụ đẩy mạnh phổ biến pháp luật về đất đai và quản lý bảo vệ rừng để nâng cao nhận thức của người dân, vận động người dân không được lấn chiếm đất đai của các nông-lâm trường. Đồng thời rà soát, đánh giá lại tình hình thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương, thực trạng đói nghèo và có giải pháp giải quyết đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân theo đúng chính sách hiện hành của Nhà nước. Rà soát xử lý trường hợp các hộ dân lấn chiếm đất nông nghiệp, đất rừng của các nông-lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở, mua bán, sang nhượng đất trái pháp luật trên địa bàn. Tạm thời không triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nêu trên…

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm