Kinh tế

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam thực hiện được đánh giá là một giải pháp sáng tạo, mang đậm tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam. Đồng thời, tín dụng chính sách được nhìn nhận là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình thực hiện mục tiêu xóa đói-giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh: Đức Thụy

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau gần 13 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam-Chi nhánh tỉnh, quy mô nguồn vốn đã tăng lên đáng kể và mở rộng sau 11 chương trình tín dụng, đơn cử như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh-sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn...

Đặc biệt, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đã vượt mức 1.000 tỷ đồng, với 67.800 hộ vay còn dư nợ. Độ phủ sóng tín dụng, tỷ lệ khách hàng ở khu vực nông nghiệp-nông thôn của Ngân hàng hiện đang chiếm đầu bảng, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vốn đều được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với kênh vốn ưu đãi này. Do đó, tổng dư nợ toàn tỉnh tính đến ngày 31-12-2014 đã đạt 2.792,419 tỷ đồng, tăng 199,694 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 7,7%), so với kế hoạch đạt 99,9% với 137.551 hộ dư nợ và 3.681 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH, ngày 21-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 12-3-2015 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, quán triệt những nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng để thống nhất trong triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH.

Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở địa phương, đơn vị; hàng năm báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các ngành, địa phương. Kế hoạch cũng nêu rõ, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp-nông thôn, phát triển giáo dục-dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở phát huy vai trò tập hợp lực lượng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này.

Song song đó, tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH. Cụ thể, hàng năm UBND cấp tỉnh, huyện dành một phần vốn từ ngân sách phù hợp với khả năng của địa phương để trình HĐND cùng cấp xem xét bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, huyện nhằm tạo lập nguồn vốn của địa phương, cùng nguồn vốn điều chuyển từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, huyện triển khai tốt tín dụng CSXH, nhất là thực hiện tốt các quy trình nghiệp vụ cho vay, phối hợp cùng chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn hàng năm để có kế hoạch tham mưu cho chính quyền về phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; xây dựng phương án, đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, phối hợp tham gia tổ thu hồi nợ và có biện pháp xử lý đối với những món nợ xấu, nợ khó đòi, nợ bị chiếm dụng theo quy định của Nhà nước...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm