Chính trị

Tin tức

Tăng cường thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 8-10, tại khách sạn Đam San, thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông (Red) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đak Lak tổ chức hội thảo tiếp thu ý kiến đóng góp cho bộ quy trình hướng dẫn xử lý hành chính hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.
 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoài Lâm

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo cho thấy thực trạng báo chí tác nghiệp ở Việt Nam và các quy định pháp luật bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí. Theo đó, báo chí ở nước ta là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân, là một kênh quan trọng trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, phóng viên, nhà báo thường phải đối đầu với việc bị cản trở với nhiều hình thức khác nhau, từ cản trở mềm đến đe dọa, hành hung…

Để bảo vệ lợi ích chung của xã hội nói chung và quyền tác nghiệp hợp pháp của nhà báo, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật với các quy định rất cụ thể và các quy định này ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều vụ cản trở nhà báo, phóng viên hiện nay, đặc biệt là các loại cản trở mềm dễ dàng bị bỏ qua do chính người bị cản trở không nhận thức hết trách nhiệm của mình cũng như quy định pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp này việc thu thập chứng cứ rất khó khăn, các thiệt hại chưa thực sự rõ ràng nên người làm báo chưa đủ tự tin để phản ánh đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan hành chính và cơ quan Công an chưa thật sự chặt chẽ nên một trong số trường hợp hành vi vi phạm không bị xử lý. Đặc biệt các vụ việc bị đình chỉ điều tra, lẽ ra phải chuyển cơ quan hành chính chuyên ngành để xử lý hành chính, nhưng cơ quan Công an không chuyển hồ sơ.

Tại Hội thảo, đại diện nhiều cơ quan báo chí, Hội Nhà báo ở các tỉnh Tây Nguyên tham dự đã phản ảnh thực trạng cản trở báo chí tác nghiệp hiện nay, những khó khăn trong việc nhận diện hành vi cản trở và thực thi các biện pháp xử lý; sự cần thiết nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện tác nghiệp báo chí, xử lý hành vi cản trở…

Được biết, Red là tổ chức nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về vấn đề liên quan đến cản trở tác nghiệp báo chí và đây là lần thứ 3 Red tổ chức hội thảo liên quan đến vấn đề trên (nằm trong khuôn khổ dự án tăng cường thực thi các qui định pháp luật về bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí). Theo dự kiến sẽ tổ chức 2 lần hội thảo nữa để tiếp tục lấy ý kiến nhằm hoàn chỉnh bộ quy trình hướng dẫn xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí.

Hoài Lâm

Có thể bạn quan tâm