(GLO)- Thực hiện nội dung Công văn số 589/BTTTT-CBC ngày 26-2-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai công tác tuyên truyền phòng-chống dịch cúm gia cầm, ngày 5-3-2014 Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 88/STTTT-BCXB về việc tăng cường tuyên truyền các hoạt động phòng-chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tình hình dịch cùm gia cầm A(H5N1) ở nước ta đang có nguy cơ bùng phát, dịch bệnh trên gia cầm đang xảy ra tại 21 tỉnh với 67 ở dịch trên cả nước và chưa có xun hướng dừng lại, nguy cơ lây truyền sang người là rất cao. Trong 2 tháng đầu năm 2014, ở nước ta ghi nhận có 2 trường hợp tử vogn do mắc cúm A(H5N1); đối với vi rút cúm A/H7N9, tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm (trên gia cầm, môi trường và người), nhưng nguy cơ xâm nhập là rất cao. Ngày 14-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 200/CĐ-TTg về việc tập trung phòng-chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Bộ nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 210/QĐ-BNN-YT và Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Để kịp thời thông tin đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh biết để có biện pháp tự bảo vệ, phòng tránh dịch cúm gia cầm (bao gồm cả H5N1 và H7N9) lây lan bùng phát trong cộng đồng, Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai đề nghị báo Gia Lai, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Tạp chí Khoa học-Công nghệ và Môi trường Gia Lai, phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền các nội dung sau:
Chủ động cập nhật, nắm bắt các nguồn tin về diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm trên thế giới, tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh nhằm phổ biến kịp thời bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động, cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do dịch cúm gia cầm có thể gây ra; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm, nhất là các cửa ngõ biên giới có buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển gia cầm, các địa phương có tập trung nhiều hộ gia đình chăn nuôi, buôn bán gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Thông tin đầy đủ và chính xác về tình hình dịch bệnh ở địa phương để mỗi người dân nhận thức đầy đủ về nguy cơ, tác hại của dịch cúm gia cầm, từ đó chủ động, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác tuyên truyền, thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến mọi người.
Tuyên truyền công tác quản lý ổ dịch ở các hộ chăn nuôi, khi có phát hiện các dấu hiệu liên quan đến cúm gia cầm cũng như các biện pháp xử lý và hướng dẫn của cơ quan thú y, không để vi rút phát tán ra diện rộng.
Tuyên truyền sự nguy hiểm của bệnh dịch cúm gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, bảo vệ đàn gia cầm; không ăn thịt gia cầm, không ăn tiết canh các loại gia cầm bị bệnh, ốm, chết, gia cầm chưa nấu chín, không rõ nguồn gốc; không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; tuyên truyền người dân đề phòng dịch bệnh bằng các biện pháp như: Khi tiếp xúc với gia cầm cần có bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, tẩy uế chuồng nuôi gia cầm, vệ sinh môi trường, hạn chế đi lại đến vùng có ổ dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời, khoanh vùng các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất dịch cúm gia cầm lây lan ra cộng đồng...
Phát hiện, tuyên truyền kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch cúm gia cầm tại địa phương để người dân theo dõi áp dụng; lên án những cá nhân, tập thể vi phạm để các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.