Chị Ngô Lê Phương Linh, Bí thư Đoàn thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là chương trình lớn của T.Ư Đoàn. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, thanh niên.
Chị Ngô Lê Phương Linh. Ảnh: NVCC |
Theo chị Linh, hiện nay thanh niên thị trấn Châu Thành tiếp cận nguồn vốn vẫn còn hạn chế do tuổi đời còn trẻ, chưa có tài sản thế chấp. Việc tiếp cận thị trường đối với thanh niên nông thôn vẫn còn chưa hiệu quả nên khả năng tiêu thụ sản phẩm không nhiều.
Gửi gắm đến Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn", chị Linh mong muốn: "Đoàn các cấp sẽ có thêm nhiều chính sách thiết thực và rộng mở hơn cho thanh niên với mong muốn được khởi nghiệp, lập nghiệp, nhất là cách tiếp cận vốn, thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời đại chuyển đổi số. Từ đó, sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ khuyết tật, thanh niên lầm lỡ ở nông thôn, qua đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò trách nhiệm của thanh niên đối với địa phương".
Còn anh Lương Ngọc Tân, Phó bí thư phụ trách Huyện đoàn Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết không ít thanh niên ở vùng quê có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhất là các vùng sâu, xa, biên giới… đều bỏ địa phương, đi làm ăn tại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Việc duy trì, tổ chức các hoạt động Đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Song, vấn đề xác định đoàn viên, thanh niên còn thuộc tổ chức hay không cũng không phải dễ.
Anh Lương Ngọc Tân. Ảnh: NVCC |
Từ thực tế này, anh Tân đề xuất: "Phải có giải pháp, định hướng cho các địa phương còn rất ít đoàn viên, thanh niên. Tổ chức, tập hợp đoàn viên tốt tại các khu công nghiệp, thành phố lớn (nơi đoàn viên, thanh niên từ các vùng quê nghèo đến làm việc, sinh sống). Đánh giá kết quả, phong trào Đoàn ở các tỉnh, huyện, cơ sở phải có các thước đo khác nhau, phù hợp với từng nhóm địa phương".
Cũng theo anh Tân, nhiều bạn trước đây phấn đấu tốt ở các cơ quan Tỉnh đoàn, giữ chức vụ, chức danh: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Trưởng các Ban giúp việc Tỉnh đoàn khi "đi xin việc lần 2" thì không được sắp xếp ở vị trí phù hợp. Đại đa số đều phải "làm lại từ đầu" trong khi đã cống hiến rất nhiều cho cơ quan Tỉnh đoàn. "Tất cả điều đó khiến cho đội ngũ cán bộ Đoàn đa số đều không yên tâm công tác, chỉ mong muốn sớm chuyển công tác để "làm lại từ đầu" sớm nhất có thể", anh Tân nói.