Tạo điều kiện để người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh giá cả các dịch vụ khám-chữa bệnh ngày càng tăng cao thì việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp an toàn, giúp bản thân và gia đình có thêm điều kiện, yên tâm trong việc khám-chữa bệnh và được chia sẻ một phần gánh nặng về tài chính. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình cận nghèo thì việc tham gia BHYT là một giải pháp thiết thực, an toàn và hiệu quả nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật.

Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ của ngân sách đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 50% lên 70% kể từ ngày 1-1-2012 sẽ tạo thêm điều kiện để các hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.
 

Ảnh: Như Nguyện
Ảnh: Như Nguyện

Thực hiện Quyết định trên, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 2122/UBND-VHXH yêu cầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện việc hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo (theo chuẩn quốc gia), thời gian tính từ ngày 1-1-2012. Tuy nhiên trên thực tế, dù mức hỗ trợ lên đến 70% liệu tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh có được nâng lên? Đây là một bài toán khó đối với tỉnh khi mà phần lớn các đối tượng cận nghèo trên địa bàn lại chưa mặn mà lắm với việc tham gia BHYT.

Theo kết quả điều tra, rà soát về đối tượng cận nghèo năm 2011 của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, toàn tỉnh có 17.026 hộ gia đình với tổng số 67.231 đối tượng cận nghèo (theo tiêu chí) phải tham gia mua thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ 5,17% dân số của tỉnh. Nhằm đảm bảo các quyền lợi ưu tiên cho đối tượng cận nghèo được hưởng các chính sách BHYT, ngay từ đầu năm Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện và phối hợp với các cấp, ngành tại địa phương chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo để có những biện pháp mở rộng đối tượng, nhất là đối tượng cận nghèo nhằm bao phủ diện rộng các đối tượng bắt buộc phải tham BHYT trên địa bàn, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến luật và các chính sách cũng như lợi ích thiết thực của việc tham gia BHYT.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động đối tượng cận nghèo tham gia BHYT; phân tích nguyên nhân đối tượng cận nghèo tham gia BHYT còn thấp. Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng kết quả trên thực tế, mới chỉ có 858 người cận nghèo trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT. Trong đó, người cận nghèo tham gia mới trong năm 2012 là 712 người, còn lại 146 người của năm 2011 chuyển qua.
Qua ghi nhận của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, đối tượng cận nghèo đang tham gia BHYT chủ yếu là những người đang bị ốm đau bệnh tật, hoặc hiện có những lý do về sức khỏe, có nguy cơ mắc các chứng bệnh hiểm nghèo.

Còn lại, phần lớn người cận nghèo chưa tham gia mua thẻ BHYT. Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nguyên nhân khiến hộ cận nghèo chưa mặn mà với BHYT trước hết, các cấp chính quyền, ban ngành mới chỉ quan tâm đến người nghèo mà chưa thực sự quan tâm đến hộ cận nghèo từ việc lập danh sách bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đóng BHYT. Mặt khác, do kinh tế còn nhiều khó khăn trong khi đó mức BHYT thu tăng theo mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, nhiều người chưa bị ốm đau nên chưa nhận thấy sự cần thiết của việc tham gia BHYT. Một nguyên nhân khác, ranh giới giữa hộ nghèo và cận nghèo cũng hết sức mong manh nên nhiều đối tượng còn ỷ lại, trông chờ sự ưu đãi 100% của Nhà nước, cấp không thu tiền theo diện người nghèo được miễn phí mua thẻ BHYT. Nếu tính ưu đãi của người nghèo không phải bỏ tiền mua thẻ BHYT khi phải nằm viện họ chỉ đóng 5% đối tượng cùng chi trả, nhưng đối tượng cận nghèo phải bỏ tiền mua thẻ 30% cá nhân tự đóng 170.000 đồng/người/ năm; khi nằm viện họ lại phải đóng 20% chi phí đồng chi trả.

Một nguyên nhân rất quan trọng trong việc lựa chọn và quyết định mua thẻ BHYT của người dân thuộc khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là vì dịch vụ y tế ở cơ sở của ngành y tế còn yếu kém; cơ sở vật chất trang bị cho các trạm y tế chưa được đồng bộ, đầy đủ; thiếu nhân lực nhất là lực lượng bác sĩ tuyến xã còn thiếu, trình độ của đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở còn thấp chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người bệnh khi tham gia BHYT. Chưa kể, nhiều nơi thái độ phục vụ của các y-bác sĩ đối với bệnh nhân nhất là những bệnh nhân có BHYT chưa thật sự tốt, có sự phân biệt khiến nhiều người chưa mặn mà với việc tham gia BHYT.

Tiến tới lộ trình BHYT toàn dân và tăng số lượng đối tượng thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và chính quyền địa phương, cán bộ cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền đến các gia đình hộ cận nghèo để họ hiểu được những lợi ích thiết thực và quyền lợi cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT theo quy định góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm