(GLO)- Trong danh mục 17 dự án tỉnh kêu gọi đầu tư giai đoạn 2013-2015 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II, có tới 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Phát triển công nghiệp chế biến là hướng đi đã được xác định trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Gia Lai đến năm 2020.
Bởi lẽ việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến mới nâng cao giá trị kinh tế cho thế mạnh về nông-lâm nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho các ngành khác.
Chế biến điều. |
Lý giải cho sự lựa chọn lĩnh vực công nghiệp chế biến làm mũi nhọn đột phá trong những năm tiếp theo, ông Hồ Phước Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trong những năm qua, tỉnh ta chú trọng đầu tư các dự án có thể tận dụng được tài nguyên thiên nhiên như khai thác khoáng sản, đá granite, phát triển thủy điện…
Trong chiến lược phát triển của tỉnh Gia Lai, lĩnh vực công nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu GDP tăng 12,8%/năm, thu nhập bình quân đạt 1.622 USD/người vào năm 2015 để thoát khỏi tỉnh nghèo và vươn lên mức trung bình cả nước. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp sẽ đạt khoảng 11.640 tỷ đồng, trong đó công nghiệp chế biến là chủ lực với mức tăng trưởng bình quân 23%/năm, nhất là công nghiệp chế biến nông-lâm sản với các sản phẩm chủ lực là cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, đường… với giá trị sản xuất đạt khoảng 2.850 tỷ đồng. |
Tuy nhiên hiện nay, tài nguyên đang ngày suy giảm, trong khi đó, chúng ta đang là vùng có nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú, nhưng chỉ dừng lại ở việc xuất thô, giá trị của sản phẩm giảm đi nhiều, rất phí. Việc chú trọng phát triển công nghiệp chế biến trong giai đoạn này là hướng hoàn toàn hợp lý”. Hiện trên địa bàn tỉnh, có tổng diện tích cao su gần 103.000 ha, sản lượng 87.500 tấn/năm; cà phê gần 78.000 ha, sản lượng 166,640 tấn/năm; 45.000 ha các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mì, mía, điều, bắp… Đặc biệt, Gia Lai là tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu đứng đầu cả nước với hơn 8.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 28.000 tấn.
Thực tế, sự tăng trưởng về công nghiệp chế biến thời gian qua đã chứng minh hướng đi đúng đắn của tỉnh. Trong năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 6.800 tỷ đồng, trong đó giá trị công nghiệp chế biến đạt trên 3.700 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tỷ trọng với các sản phẩm chính như: đường tinh chế (127.500 tấn), tinh bột mì (66.200 tấn), hạt điều (3.400 tấn)… Riêng trong những tháng đầu năm 2013, công nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Trong khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp quý I đạt 1.660 tỷ đồng thì công nghiệp chế biến chiếm 1.226 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Kết quả trên cho thấy, chỉ tiêu năm 2013 đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 7.600 tỷ đồng phụ thuộc rất lớn vào công nghiệp chế biến.
Trong danh mục kêu gọi đầu tư, ngoài vài dự án đầu tư về lĩnh vực dịch vụ, du lịch còn lại là các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến như: dầu thực vật, điều, hoa quả, súc sản, thuộc da xuất khẩu, sản xuất săm lốp ô tô và các sản phẩm từ cao su, sản xuất và lắp ráp máy phục vụ sản xuất nông nghiệp… Gia Lai là vùng trung tâm tiêu thụ tư liệu tiêu dùng khi có địa thế vô cùng thuận lợi trong tam giác phát triển, nằm giữa các đầu mối giao thông đường bộ quan trọng. Bên cạnh đó còn có sân bay Pleiku với các tuyến bay trực tiếp nối Gia Lai với các trung tâm kinh tế của đất nước”.
Ngoài ra, tỉnh có Khu công nghiệp Trà Đa với diện tích 124,5 ha đã đi vào hoạt động ổn định và có điều kiện hạ tầng hoàn chỉnh. Các cụm công nghiệp khác như: Cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku), Bắc Biển Hồ, Cụm công nghiệp Ia Khươl (huyện Chư Pah), Chư Ty (huyện Đức Cơ), Chư Sê, Ayun Pa, Mang Yang… tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chọn lựa địa điểm xây dựng nhà máy, rất thuận lợi để trở thành động lực vùng Tây Nguyên thông qua phát triển công nghiệp chế biến.
Hiện tại, trong ngành công nghiệp của tỉnh, công nghiệp năng lượng (chủ yếu là thủy điện) chiếm tỷ trọng gần 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình thời tiết đang chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, hạn hán liên tục xảy ra và ngày càng nghiêm trọng có thể coi là một dự báo về sự phát triển không bền vững của ngành công nghiệp năng lượng. Theo đó, với đà phát triển như hiện tại, sự “lên ngôi” của công nghiệp chế biến chỉ là vấn đề sớm muộn.
Kim Linh