TN - Đất & Người

Tạo nền tảng tiến tới đô thị loại I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020, nên thời gian qua TP. Pleiku đã tập trung đầu tư, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng làm cho bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh.

Là thành phố trẻ, Pleiku có nhiều thuận lợi trong quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, hài hòa với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Pleiku có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá (tăng 15% bình quân hàng năm), trong đó các ngành dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải... khá phát triển.

 

Ảnh: Nguyễn Giác

Xác định hệ thống giao thông chính là huyết mạch quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa giữa thành phố và các huyện lân cận và đặc biệt đây lại là trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất tỉnh, là điểm giao thoa giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên trong những năm qua thành phố rất chú trọng đầu tư xây dựng. Hiện nay, toàn thành phố có 840 km đường giao thông gồm: 182 tuyến đường đô thị có tên; 1.073 tuyến đường giao thông nông thôn thuộc 14 phường và 9 xã; 42 tuyến đường trong khu quy hoạch, khu tái định cư…

Giai đoạn 2012-2015, thành phố đặt mục tiêu đầu tư nâng cấp, mở rộng, kết nối và mở các tuyến đường giao thông đối ngoại, giao thông nội thành để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành so với đất xây dựng trong khu vực nội thành đạt trên 22% và đến năm 2020 đạt 24%; mật độ đường trong khu vực nội thành đạt trên 10 km/km2 (đến năm 2020 là 13 km/km2), diện tích đất giao thông/dân số nội thành đạt trên 13 m2/người (giai đoạn 2016-2020 là 15 m2/người).

Phấn đấu đến năm 2015 có 80% tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa và đến năm 2020 tăng 90%… Song song đó, hệ thống thoát nước đô thị cũng được quan tâm đầu tư với mục tiêu cải tạo, xây dựng 20 km mương nước trên các tuyến đường có tên và xây dựng hệ thống thoát nước chính trong khu vực nội thành đạt trên 3,5 km/km2 (giai đoạn 2016-2020 là 4,5 km/km2)…

Thực tế việc quy hoạch, đầu tư và xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đô thị của thành phố vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng phải lắp bổ sung thêm đèn, đường dây điện chiếu sáng một số tuyến đường. Để khắc phục thực trạng này, trong giai đoạn 2012-2015, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành được chiếu sáng đạt trên 90%, tỷ lệ ngõ hẻm nội thành được chiếu sáng trên 60%; dự kiến giai đoạn này sẽ lắp mới khoảng 4.800 bộ trên đường đô thị có tên; 1.900 bộ đèn cho tuyến đường hẻm và đến năm 2020 toàn thành phố có khoảng 15.000 bộ đèn chiếu sáng các loại và 100% tuyến đường chính, đường có tên có đèn chiếu sáng; 100% hoa viên, công viên, quảng trường, điểm công cộng có đèn chiếu sáng...

 

Thành phố Pleiku-trung tâm nối liền quốc lộ 14, 19 với các khu kinh tế cửa khẩu. Ảnh: Nguyễn Giác

Bên cạnh đó, thành phố còn chủ trương phát triển Phố núi theo hướng xanh-sạch-đẹp. Từ đó, việc đầu tư, chỉnh trang các hoa viên, công viên, đảo giao thông và việc trồng cây xanh cũng được chú trọng. Không chỉ trồng mới, bổ sung các thảm hoa, cây lá màu, lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng, trang trí với kiến trúc mang tính thẩm mỹ tạo điểm nhấn cho không gian đô thị mà còn triển khai xây dựng các công viên theo mô hình có các khu chức năng riêng biệt như: khu vui chơi giải trí, ăn uống, giải khát hay tham quan du lịch…

Đặc biệt, thành phố đầu tư trồng mới và trồng dặm khoảng 10.635 cây xanh trên các tuyến đường (giai đoạn 2012-2015) và phấn đấu đến 2020 thành phố có khoảng 40.000 cây xanh các loại trồng trên các tuyến đường.

 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng đô thị trong giai đoạn 2012-2015 là 14.851 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 393,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 811,7 tỷ đồng; ngân sách thành phố 1.142,3 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 12.503,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020 có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 11.426 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 1.363 tỷ đồng; các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp, vốn vay, vốn trong dân cư 10.063 tỷ đồng).

Việc xây dựng thêm các nhà máy xử lý, tái chế rác thải, lò đốt rác y tế cũng là một trong những mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020. Trong đó, thành phố phấn đấu hoàn thành việc thu gom rác thải rắn đạt 100% và trên 90% được xử lý bằng hình thức chôn lấp, tái chế hoặc công nghệ đốt… Hệ thống cấp nước cũng được tập trung phát triển, bình quân tăng 3-7%/năm và đến năm 2020 có 19.734 hộ sử dụng nước máy; công suất cấp nước sinh hoạt khu vực nội thành đạt trên 130 lít/người/ngày đêm.

Cùng với việc đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật; các công trình hạ tầng xã hội cũng được đầu tư tương xướng. Thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng, chỉnh trang các cơ sở hạ tầng như: xây dựng bệnh viện có chất lượng về chuyên khoa, đa khoa, các trường đào tạo, dạy nghề của tỉnh và liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước.

Năm 2011 đã đưa Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai-Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh vào hoạt động; phấn đấu đến năm 2015 nâng cấp bệnh viện thành phố lên 5 tầng với 120 giường bệnh; xúc tiến đầu tư với các đối tác để xây dựng Trường Đại học Y Dược. Nâng cấp Chi nhánh Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh lên thành trường đại học vào năm 2014…

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, thành phố tập trung bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, tạo ra các sản phẩm văn hóa-du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của thành phố Pleiku đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Đầu tư xây dựng các công trình như: thư viện tổng hợp thành phố, nhà giới thiệu và trưng bày các sản phẩm văn hóa Tây Nguyên, nhà thi đấu đa năng, nhà luyện tập…

Ông Nguyễn Đình Tiến- Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho biết: Để thực hiện được những mục tiêu trên cần cả một quá trình lâu dài. Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng, trọng điểm của thành phố theo đúng kế hoạch. Phối hợp với Sở Xây dựng lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức triển khai xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống công trình hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả, tránh lãnh phí, đáp ứng nhu cầu trước mắt nhưng phải nghiên cứu, tính toán đến tính bền vững, lâu dài. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý của các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhằm tăng cường chỉ đạo, quản lý, điều hành… đối với công tác này.

Với môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều tiềm năng nên tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ II-2013 vừa diễn ra đầu tháng 4-2013, TP. Pleiku đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư, trong đó có 3 dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư, như dự án: Suối Hội Phú, Trung tâm Chuyển giao Y học Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai và Trung tâm Thương mại Pleiku với tổng số vốn 2.360 tỷ đồng. Đây cũng là điều kiện tiền đề để TP. Pleiku xích gần hơn trong hành trình tiến tới đô thị loại I.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm