Kinh tế

Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ ở Gia Lai đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Hoạt động khoa học-công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở khai thác các nguồn lực, thế mạnh của địa phương.

50% đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp

Theo tính toán của Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, khoảng 50% đề tài nghiên cứu khoa học thời gian qua đều liên quan đến nông nghiệp, phục vụ  sản xuất nông nghiệp. Nội dung nghiên cứu tập trung các loại giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu quy trình chăm sóc, kỹ thuật chăm sóc, phòng-chống dịch bệnh trong chăn nuôi, thu hoạch, chế biến bảo quản và bảo quản sau thu hoạch đối với các mặt hàng nông sản. Có thể thấy rằng, lĩnh vực nông nghiệp được các cấp quan tâm đầu tư hỗ trợ về mặt kỹ thuật nhằm tạo sức bật thúc đẩy ngành kinh tế là thế mạnh của địa phương phát triển theo định hướng chung của cả nước.

 

Ảnh: Anh Khoa

Trồng trọt là lĩnh vực tiên phong trong việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, rõ ràng nhất. Khoa học-công nghệ đã cung cấp những luận cứ bổ sung, hoàn thiện và làm chủ được nhiều quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực nhân giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng như: canh tác bền vững trên đất dốc, ba giảm ba tăng, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, quản lý cây trồng ICM, quy trình sản xuất RAT, VietGap... góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản, từng bước tạo sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Các dự án nghiên cứu, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hóa, đã tác động mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị thương mại cho nông sản. Ông Nguyễn Hồng Hà-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết: Trong thời gian qua những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh hay quốc gia đã được Sở lưu trữ tại các thư viện trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố để người dân và các cấp chính quyền đến học hỏi. Đối với các mô hình sản xuất, sau khi triển khai mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ thành công, đơn vị sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý là các địa phương để duy trì và triển khai ứng dụng sản xuất đại trà.

Công nghệ bảo quản, chế biến nông-lâm sản cũng đang từng bước được đầu tư mở rộng, làm tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm nghiệp. Các công nghệ chế biến  cà phê, tiêu, chè, tinh bột mì, công nghệ sấy bảo quản, sơ chế... được áp dụng tối ưu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng hóa nông-lâm sản. Các tổ chức, cá nhân đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đối với các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao. Việc phát triển các nhà máy chế biến nông sản đã đóng góp tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, chế biến với quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi tư duy sản xuất và  quản lý

 

Ảnh: Hồng Diệp

Nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn một số địa phương không thể áp dụng các tiến bộ khoa học đã được nghiên cứu vào trong sản xuất vì thiếu kinh phí thực hiện. Điển hình như mô hình canh tác các loại giống mía lai rất hiệu quả nhưng khi kết thúc mô hình trình diễn thì người dân không làm theo mà quay lại sản xuất theo quy trình cũ. Hoặc dự án trồng hoa chất lượng cao tại xã An Phú (TP. Pleiku) kết thúc dự án người dân đã chuyển sang trồng rau. Có thể thấy rằng tư duy làm theo lối canh tác truyền thống đã ăn sâu vào người dân nên mặc dù tốn rất nhiều công sức, kinh phí làm trình diễn để nông dân áp dụng. Ông Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: Điều quan trọng để các ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất là chính quyền địa phương cần bố trí nguồn kinh phí hàng năm để triển khai áp dụng khoa học vào sản xuất. Có vậy những nghiên cứu khoa học sẽ không lãng phí, quên lãng. Mặt khác, để áp dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp phải hình thành các cánh đồng mẫu lớn, hạ giá thành nâng cao năng suất tăng thu nhập cho người dân.
 

Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ (ƯDCN) đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3 đến 5 doanh nghiệp và 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCN. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ƯDCN. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCN. Những hướng được Nhà nước ưu tiên đầu tư là sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất rau, chè, cây ăn quả giá trị cao.

(Nguồn Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Ngoài tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, quy hoạch cũng là giải pháp quan trọng cần được đầu tư để từ đó có được những ngành phụ trợ khác phục vụ cho nông nghiệp. Ngoài ra, còn phải tính đến mô hình tổ chức sản xuất liên kết, đầu tư có tiêu chí cụ thể và giải pháp đồng bộ để có được sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Để phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ đạt hiệu quả, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải giải được bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp... Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Việc lựa chọn mô hình, sản phẩm, lựa chọn công nghệ để sản xuất chưa phù hợp. Vì vậy, yếu tố tạo bước đột phá trong ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chính là cần thay đổi tư duy sản xuất và tư duy quản lý, hướng sản xuất tập trung vào sản phẩm thị trường cần và nâng cao giá trị gia tăng.

 Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm