Bạn đọc

Tạo thuận lợi cho dân ở một cửa điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối năm 2011, huyện Đak Đoa được tỉnh trang bị hệ thống một cửa điện tử. Từ đây, người dân rất phấn khởi vì công việc được thuận lợi hơn, không phải vất vả lên xuống nhiều lần để bổ sung hồ sơ và nhất là thoát cảnh “hành là chính” như trước đây.

Người dân bấm số thứ tự đợi đến phiên mình. Ảnh: Ngọc Linh
Người dân bấm số thứ tự đợi đến phiên mình. Ảnh: Ngọc Linh

Những năm gần đây nhu cầu làm thủ tục quyền sử dụng đất, đóng thuế nhà đất, cấp phép kinh doanh, tư pháp-hộ tịch, cấp phép xây dựng nhà ở… tại Đak Đoa đã tăng rất nhanh. Theo báo cáo, nhiều ngày có đến hơn 70 người dân đến thực hiện giao dịch tại UBND huyện. Điều này khiến cán bộ lâm vào tình trạng quá tải, áp lực, người dân phải mệt mỏi chờ đợi, tốn kém công sức đi lại, nhiều trường hợp còn bị gây phiền hà. Tuy nhiên, việc này đã chấm dứt kể từ khi huyện được trang bị hệ thống một cửa điện tử. Theo ông Ngô Thanh Việt (trú xã Kdang, huyện Đak Đoa): Trước kia, UBND huyện chỉ có một người chuyên làm công việc tiếp nhận hồ sơ, dân phải tự mang hồ sơ qua các phòng ban để giải quyết dẫn đến mất rất nhiều thời gian trong việc đi lại, tốn công, tốn của. Đó là chưa kể đến chuyện cán bộ xử lý hồ sơ theo kiểu ưu ái, trễ hẹn cũng làm dân phiền lòng. Giờ thì thuận tiện hơn rồi, dân không phải vất vả lên xuống nữa. Việc giải quyết công việc ở bộ phận một cửa cũng rất công bằng, dân chỉ cần bấm số thứ tự, ai đi trước sẽ được giải quyết trước. Khi cán bộ nhận hồ sơ, xuất phiếu cũng đồng nghĩa là bộ hồ sơ đã đầy đủ, họ sẽ phát phiếu hẹn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, thời gian người dân đến nhận lại hồ sơ nên tình trạng trễ hẹn cũng đã không còn. Ngoài ra, những bộ hồ sơ thiếu thủ tục, cán bộ cũng thực hiện bổ sung giúp khiến dân đỡ vất vả...

Theo ông Phạm Ngọc Tiến-Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đak Đoa (Phụ trách tổ một cửa): Mục đích của một cửa điện tử là nhằm tập trung tất cả các công việc về một đầu mối, thực hiện xử lý hồ sơ qua phần mềm điện tử. Từ đó, có thể quản lý hồ sơ luân chuyển qua các phòng ban, hạn chế tình trạng trễ hẹn, tránh việc trả hồ sơ nhiều lần gây phiền hà cho dân. Và đặc biệt là tránh được tình trạng nhũng nhiễu dân của cán bộ. Hiện tại, tất cả nhân viên một cửa ở đây đều trẻ, có trình độ đại học chuyên ngành, thông thạo tin học nên giải quyết công việc rất mau lẹ. Từ ngày tổ một cửa đi vào hoạt động, chất lượng giải quyết công việc đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đây. Cụ thể, từ tháng 9-2011 đến nay, bộ phận một cửa đã giải quyết hơn 13.000 hồ sơ các loại, số lượng hồ sơ giải quyết ổn thỏa của năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

Bộ phận một cửa huyện Đak Đoa. Ảnh: Ngọc Linh
Bộ phận một cửa huyện Đak Đoa. Ảnh: Ngọc Linh

Ưu điểm là vậy, song ông Tiến vẫn cho rằng, bộ phận một cửa điện tử ở huyện Đak Đoa hiện vẫn chưa hoàn thiện. Bởi, con người ở đây chủ yếu là kiêm nhiệm, họ vẫn phải làm công việc tại đơn vị mình nên khó khăn trong việc điều tiết công tác. Khi luân chuyển hồ sơ về các phòng ban, do nhiều lãnh đạo phòng lớn tuổi nên trình độ tin học hạn chế, cộng thêm công việc chuyên môn nhiều nên việc xử lý hồ sơ vẫn do một chuyên viên làm. Một người phải xử lý việc của nhiều người dẫn đến khó khăn, đó là chưa kể đến tình trạng khó kiểm soát. Hiện, UBND huyện chưa có máy phát điện dự phòng nên những ngày cúp điện, cán bộ lại phải thao tác bằng tay.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm