Kinh tế

Tập huấn về công nghệ sau thu hoạch lúa gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án "Bringing about a Suitainable Agronomic Revolution in Rice Production in Asia by Reducing Preventable Pre-and Postharvest Losses" (Đưa cuộc cách mạng nông nghiệp bền vững vào sản xuất lúa gạo ở Châu Á bằng cách giảm những tổn thất có thể ngăn ngừa được, trước và sau thu hoạch), từ ngày 5 đến 9-5, Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế và Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch Hà Nội tổ chức lớp Tập huấn về Công nghệ Sau thu hoạch lúa gạo cho các cán bộ khuyến nông các tỉnh Vùng 2 (gồm các tỉnh duyên hải từ Nghệ An đến Bình Định) và Vùng 1 (đồng bằng Sông Hồng). Tham gia lớp tập huấn có các nhà nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu hàn lâm và các cán bộ khuyến nông nòng cốt các địa phương.
Tham quan tại Công ty TNHH Huy Phát. Ảnh: Thanh Vân
Tham quan tại Công ty TNHH Huy Phát. Ảnh: Thanh Vân
Thất thoát trước và sau thu hoạch lúa gạo ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác (hiện nay chiếm 15-20% tổng khối lượng lúa sản xuất) là một vấn đề có thể giảm thiểu và ngăn ngừa được. Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) chủ trì Dự án ADB-IRRI RETA No. 6489 có tựa đề “ Đưa cuộc cách mạng nông nghiệp bền vững vào sản xuất lúa gạo ở Châu Á bằng cách giảm những tổn thất có thể ngăn ngừa được, trước và sau thu hoạch” (Bringing about a Suitainable Agronomic Revolution in Rice Production in Asia by Reducing Preventable Pre-and Postharvest Losses).
Tại Việt Nam, Dự án được thực hiện từ năm 2010 đến 2014 ở 5 vùng sản xuất lúa gạo trong cả nước. Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh là pháp nhân Điều phối Dự án. Khoa Cơ khí-Công nghệ, trường Đại học Nông Lâm Huế là một thành viên của ban điều phối, phụ trách thực hiện Dự án ở Vùng 2 (gồm các tỉnh duyên hải từ Nghệ An đến Bình Định).
Tại lớp tập huấn, các đại biểu tham gia đã được nghe trình bày và cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong các công đoạn: thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát lúa; những tính toán kinh tế khi ứng dụng các thiết bị sau thu hoạch. Các kỹ thuật công nghệ mới cũng được kết hợp trình bày trong hội thảo như kỹ thuật san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại IRRI và các nước khu vực sản xuất lúa gạo ở Đông Nam Á đã khẳng định kỹ thuật san phẳng đồng ruộng bằng tia laser là biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm giảm chi phí sản xuất lúa và góp phần giảm hao hụt khi thu hoạch. Cùng với hoạt động tập huấn, các khách mời và cán bộ khuyến nông đã đi tham quan, kiến tập tại cơ sở chế tạo máy gặt đập liên hợp của Công ty TNHH Huy Phát (tại TP.Huế), tham quan quy trình sản xuất lúa giống tại Công ty CP Giống cây trồng- Vật nuôi Thừa Thiên-Huế, nhà máy Xay xát chế biến lúa gạo của ông Hồ Văn Hoành (tại Thị xã Quảng Trị), tham quan công việc san phẳng đồng ruộng tại Trại lúa giống Nam Vinh, thuộc Công ty Giống Thừa Thiên Huế tại huyện Quảng Điền. Kết thúc lớp tập huấn, những cán bộ khuyến nông này sẽ là những người nòng cốt trong việc triển khai Dự án tại các địa phương trong những giai đoạn tiếp theo.
Thanh Vân

Có thể bạn quan tâm