Chính trị

Tin tức

Tập trung phát triển KT-XH, đưa Đak Đoa thoát khỏi huyện nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đak Đoa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 (là đại hội điểm của tỉnh Gia Lai) diễn ra từ ngày 6 đến 7-7-2010, ông Trương Vĩnh Trọng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về dự, chỉ đạo và đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Gia Lai trích giới thiệu cùng bạn đọc.
…Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2001-2010 và 5 năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhiều mục tiêu chủ yếu của chiến lược và Nghị quyết Đại hội X đã hoàn thành.
Cùng với nỗ lực chung của cả nước, trong những năm qua, Gia Lai đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được những kết quả rất quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, quy mô nền kinh tế không ngừng lớn mạnh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng tiếp tục được cải thiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được tăng cường; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng...
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với các đại biểu dự đại hội. Ảnh: Đ.T
Đối với huyện Đak Đoa, qua theo dõi tình hình và nghe báo cáo trình Đại hội, tôi thấy rằng nhiệm kỳ vừa qua kinh tế của huyện đã có sự phát triển rất đáng mừng, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khá cao (16,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, khu trung tâm huyện lỵ và một số vùng nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, xứng đáng là huyện cửa ngõ phía Đông của TP. Pleiku-trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Gia Lai; văn hóa, xã hội phát triển tích cực và toàn diện: Giáo dục được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (còn 15,5%); tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn trên địa bàn được giữ vững; công tác xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Báo cáo Chính trị trình Đại hội cũng chỉ ra một số yếu kém, khuyết điểm cần khắc phục đó là: Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là cơ sở còn hạn chế, việc triển khai nhiệm vụ có nơi còn thụ động, chưa quyết liệt, ỷ lại vào cấp trên; một số nơi chưa có kế hoạch chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước không sát, chưa phù hợp và nắm bắt sâu sát, kịp thời tư tưởng, tâm trạng xã hội trong các tầng lớp nhân dân. Một số cấp ủy còn buông lỏng vai trò công tác giáo dục chính trị dẫn đến có cán bộ, đảng viên bị vi phạm pháp luật; việc thực hiện quy chế của Đảng, quy định của Nhà nước một số nơi chưa nghiêm túc.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé, hoạt động dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chung của huyện; chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; cơ sở vật chất và đội ngũ y- bác sĩ còn thiếu và yếu; đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp và chênh lệch lớn so với các vùng khác; chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền nhiều xã chưa cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân chưa phong phú và chậm đổi mới nên chất lượng công tác vận động quần chúng còn hạn chế.
Thay mặt Bộ Chính trị, tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, quân và dân huyện Đak Đoa đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đề nghị các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm; khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được đánh giá nhìn nhận rất thẳng thắn để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Năm 2010 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, năm có nhiều sự kiện chính trị lớn: Cả nước tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng bộ huyện Đak Đoa được chọn tổ chức đại hội điểm bầu trực tiếp Bí thư Đảng bộ theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đây là vinh dự của toàn Đảng bộ, do đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng; làm tốt nội dung, quy trình, để từ đó đúc rút bài học hay, kinh nghiệm quý cho các đảng bộ khác học tập và vận dụng. Bên cạnh đó, tôi mong rằng các đại biểu dự Đại hội phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần trách nhiệm cao để thảo luận và đưa ra những quyết định đúng đắn về phương hướng, mục tiêu và giải pháp nhiệm kỳ đến sao cho vừa thể hiện được tinh thần tích cực, chủ động, vừa thiết thực và có tính khả thi, để biến quyết tâm ấy thành hiện thực.
Tôi xin gợi ý thêm một số vấn đề trọng tâm để Đại hội thảo luận và xem xét quyết định:
1. Đảng bộ huyện nên đi sâu, chọn lọc những giải pháp thiết thực và tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, cải thiện nâng cao hơn nữa mức sống và chất lượng sống cho nhân dân. Phấn đấu bằng được mục tiêu Đak Đoa thoát khỏi huyện nghèo. Cụ thể:
Có giải pháp thiết thực hơn để động viên khai thác tiềm năng thế mạnh của các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các trung tâm thương mại trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, các ngành sản xuất chủ lực của huyện để đáp ứng yêu cầu kinh tế của địa phương theo đúng định hướng đề ra trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV. Nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch và phát triển khu dân cư văn minh, giữ gìn bản sắc dân tộc đồng thời huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện chất lượng sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Đảng bộ cần quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục-thể thao; chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, có công phải bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân trong huyện, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo, đẩy mạnh chương trình xóa hộ nghèo theo tiêu chuẩn thu nhập 12 triệu đồng/người/năm trước năm 2015; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình mục tiêu 3 giảm, đấu tranh kéo giảm tội phạm và các tệ nạn xã hội, tích cực phòng- chống tệ nạn ma túy, mại dâm; giải quyết công minh, kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện; củng cố tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau; góp phần giữ vững an ninh, trật tự để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện.
2. Thường xuyên tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị:
Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; tăng cường củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động; rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng trong toàn Đảng bộ để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với trọng tâm “tiếp tục học tập, nỗ lực làm theo”; kịp thời biểu dương, nhân rộng các gương sáng trong thực hiện cuộc vận động của cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người noi theo, tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội.
Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của huyện. Nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở và các tổ chức đảng địa bàn khó khăn, xa xôi; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân đoàn kết trong hệ thống chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để góp phần phòng-chống các sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ trái sang) trò chuyện với các đại biểu dự đại hội. Ảnh: Đ.T
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, kiến nghị cấp trên bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý đất đai, khu dân cư, giao thông, đầu tư xây dựng, các hoạt động văn hóa; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, tận tâm phục vụ nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống tham nhũng, lãng phí ở từng đơn vị.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ… Phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác vận động nhân dân, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện trong thời gian tới.
3. Tăng cường công tác quốc phòng- an ninh, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh triệt để và tích cực phòng-chống, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thủ đoạn thâm độc của các thế lực phản động. Kiên quyết tiêu diệt tàn dư bọn phản động FULRO, bọn Đê-ga nếu chúng muốn nhen nhóm hoạt động. Coi trọng công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Không để các thế lực phản động dùng chiêu bài “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” chống phá ta.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai cùng với ý chí sắt đá, quyết tâm vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng; tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, quân và dân huyện Đak Đoa sẽ phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng của địa phương; cùng nhau đoàn kết muôn người như một, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.
Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm