Tất bật ngày 30 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 30 Tết luôn mang tới cho tất cả mọi người một cảm xúc rất thiêng liêng. Dù công việc chuẩn bị đón Tết sung túc hay đạm bạc thì ngày 30 tháng Chạp, Tết đều sẽ tràn ngập trong mỗi gia đình người Việt.
Ý nghĩa mâm cơm ngày cuối năm
Ngày 30 Tết, nhiều gia đình làm mâm cơm Tất Niên cúng gia tiên, rước ông bà. Ảnh: Ngọc Minh
Ngày 30 Tết, gần như mọi thành viên trong mỗi gia đình đều bận rộn. Nếu không đi chợ mua sắm thì cũng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, bày mâm ngũ quả, dọn bàn thờ. Thế nhưng, 30 Tết chắc chắn là ngày bận rộn nhất trong năm của các bà, các mẹ. Mong ước về một cái Tết sung túc, đủ đầy để cầu chúc may mắn cho năm mới khiến ai nấy đều cố gắng chuẩn bị. Trong đó, mâm cơm ngày cuối năm là quan trọng nhất. 
Bỏ nốt bó hoa vào chiếc làn đã đầy ắp, chị Hoàng Thị Hồng Ngọc (thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) vội vã nói: “Hôm nay, tôi thức dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ chuẩn bị cho mâm cơm ngày cuối năm. Bận rộn, tất bật nhưng tôi không thấy mệt, ngược lại còn thấy trong lòng rất háo hức. Mong ước năm nay của tôi đơn giản chỉ là dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cuộc sống người dân trở lại yên bình, nhà nhà sum họp”.
Chị Phạm Thị Mười (tổ 1, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) chuẩn bị mâm cơm tất niên cho gia đình. Ảnh: Mộc Trà
Còn chị Phạm Thị Mười (tổ 1, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Năm nào ngày này, tôi cũng chuẩn bị một mâm cơm tất niên, trước cúng trong nhà, sau là để gia đình quây quần ấm cúng bên nhau trong thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Trước đây, họ hàng cũng hay tập trung gặp mặt vào chiều cuối năm nhưng năm nay để phòng-chống dịch bệnh Covid-19 nên chúng tôi không tổ chức nữa. Dẫu vậy, mâm cơm ngày 30 Tết vẫn luôn đong đầy cảm xúc, ý nghĩa”.
Để không bỏ lỡ mất ngày 30 Tết quây quầy bên gia đình, nhiều người vui vẻ gác lại công việc kinh doanh. Với họ, làm ăn là chuyện cả năm, còn Tết, mỗi năm chỉ có một lần nên phải chuẩn bị tươm tất. “Gia đình tôi có cửa hàng tạp hóa ở xã Đak Song, huyện Kông Chro nhưng từ ngày 23 tháng Chạp tôi đã đóng cửa hàng về dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Hàng năm, sáng 30 Tết tôi đi chạp mả, chiều về làm mâm cơm Tất Niên cúng gia tiên và mời bà con lối xóm đến chung vui. Nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế tập trung đông người nên tôi chỉ cúng rước ông bà, rồi sum vầy bên con cháu, cùng nhau cầu mong năm mới bình an, sức khỏe”- ông Trần Xuân Anh (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) vui vẻ nói.
Tết đoàn viên
Chiều 30 Tết, chuyến xe khách cuối cùng cũng cập bến. Những người con đi làm ăn, học tập xa nhà đã kịp trở về đoàn tụ với gia đình. Thế mới nói, Tết là dịp để mọi người, mọi nhà sum vầy. Dù hối hả, bận rộn nhưng ngày 30 Tết chính là thời điểm đầm ấm nhất, gắn kết nhất của mỗi gia đình. Ông Trần Quang Thủy (trú thôn 8, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) rộn ràng chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Niềm vui được nhân đôi khi 2 người con của ông ở TP. Hồ Chí Minh về đón Tết cùng gia đình. “Trước ngày 20 tháng Chạp, hai cháu gọi điện về báo là có thể không về đón Tết cùng gia đình được vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chúng tôi cũng có thoáng buồn. Nhưng sau thì cả hai cháu đều về được vì không liên quan đến các vùng dịch. Ngày Tết, các cháu về được, gia đình rộn ràng hẳn. Sau bữa cơm tất niên trưa 30 Tết, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giao thừa. Tết nhất mà, gia đình sum vầy là vui nhất rồi”- ông Thủy hạnh phúc cho biết.
Bạn Võ Trần Nhật Minh (tổ 2, phường Thống Nhất, TP.Pleiku) sơn lại tường rào đón Tết. Ảnh: Nguyễn Giang
Cũng trở về từ TP. Hồ Chí Minh, em Võ Trần Nhật Minh (tổ 2, phường Thống Nhất, TP.Pleiku) không gặp gỡ, hội họp bạn bè như mọi năm mà ở nhà phụ bố mẹ sơn sửa lại nhà cửa. Sáng 30 Tết, Minh hoàn thành nhiệm vụ sơn lại cổng nhà để sẵn sàng đón năm mới. “Bạn bè thì lúc nào gặp cũng được nhưng Tết đến, gia đình nhất định phải được đoàn viên”-Minh bày tỏ. 
Chốt kiểm tra, phòng-chống dịch Covid-19 ở xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện). Ảnh: Nguyễn Tú
Năm nay, thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19, những người từ nơi khác trở về Gia Lai đón Tết thực hiện tốt các quy định về y tế, hạn chế tập trung, tự nâng cao ý thức phòng dịch cho bản thân và cộng đồng.  Bên cạnh đó, các địa phương đều tích cực triển khai biện pháp phòng dịch. bác sĩ Phạm Chí Quang-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện cho hay. “Ngoài những trượng hợp đang được cách lý tập trung tại Trung tâm Y tế huyện thì đối với các trường hợp trở về từ địa phương có dịch Covid-19, chúng tôi yêu cầu tự cách ly tại nhà và kịp thời báo cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện của bệnh này. Chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch theo thông điệp 5K của ngành Y tế và khuyến khích người dân vui xuân đón Tết trong khuôn khổ gia đình”.
Cũng theo bác sĩ Quang, dù đón Tết trong điều kiện phòng-chống dịch bệnh Covid-19 nhưng ông thấy rằng mọi người dân đều cảm nhận được ý nghĩa của sự đoàn viên, hạnh phúc.
Đồng hành cùng người trồng hoa
Dù trải qua một năm kinh tế nhiều khó khăn nhưng đến ngày 30 tết, gia đình nào cũng đều sắm sửa cho thềm nhà mình những chậu hoa tươi tắn. Ngoài làm đẹp cho không gian đón Tết, người mua hoa còn muốn ngỏ ý ủng hộ bà con trồng hoa. Sáng 30 tết, anh Lê Thế Hùng (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cùng cô con gái nhỏ đi chợ hoa. Hai bố con anh chọn hai chậu hoa cúc pha lê to để chưng Tết. Anh nói: “Năm nay khó khăn nên tôi tính không mua thêm hoa, chỉ dùng hoa lá sẵn có của nhà nhưng lại thấy thương những người trồng hoa. Dịch bệnh bùng phát ngay dịp Tết khiến họ càng thêm khó khăn hơn. Do đó, vợ chồng tôi bàn nhau mua hoa để ủng hộ họ”.  
Người dân đi mua hoa trong ngày 30 Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn ông Phạm Minh Châu (Tổ 2 phường Đống Đa, TP. Pleiku) phấn khởi cho hay: “Hôm nay, gia đình tôi cũng như nhiều hộ lân cận cùng nhau đến chợ hoa xã Nghĩa Hưng (Chư Pah) để mua hoa hỗ trợ một phần cho những người bán hoa vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để giảm bớt những thiệt hại. Ngoài ra, gia đình còn đi chợ hoa phường Tây Sơn ( TP.Pleiku) mua nhiều loại hoa khác về trang trí nhà cửa xanh tươi để vui xuân đón Tết vui vẻ và mong ước sang năm mới mọi người dân đều đón một cái Tết vui vẻ và đầm ấm”.
Với ý nghĩ, năm nay gia đình mình khó khăn nhưng người trồng hoa còn khó khăn hơn nên mua ủng hộ đã thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Những người trồng hoa, bán hoa vì vậy cũng vơi bớt nỗi lòng. “Gia đình chuyên trồng nhiều loại hoa hồng giống ngoại nội khác nhau để cung cấp vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xác định trước khó khăn. Tuy nhiên, đến ngày 30 Tết thấy bà con đến mua ủng hộ nhiều nên tôi cũng thấy vui hơn. Đến 4 giờ chiều ngày 30 Tết, tôi cũng đã bán được 300 chậu, so với mấy ngày trước sức tiêu thụ tăng lên rất nhiều”. 
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai: từ 11 giờ ngày 10-2 đến 11 giờ ngày 11-2 (tức 30 Tết), trên địa bàn xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 3 người tử vong.Tại các bến xe vận chuyển hành khách đi các tỉnh, thành phố trong cả nước có 37 chuyến xe, vận chuyển 518 lượt hành khách, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 20 chuyến xe (giảm 85,65%), giảm 485 hành khách (giảm 86,72%). Lực lượng Thanh tra Giao thông kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện và điều kiện của người lái trước khi xuất bến tại bến xe Đức Long; kết quả, đã kiểm tra 5 xe khách, tất cả đều đảm bảo điều kiện. Hoạt động vận tải, bảo đảm TTATGT chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 37 trường hợp vi phạm; tạm giữ 26 xe mô tô, 83 giấy tờ các loại, xử phạt 22 trường hợp, số tiền 54 triệu đồng.
NHÓM PHÓNG VIÊN