Lựa chọn hai phương án xây dựng dự án tàu cao tốc Bắc - Nam hay tàu tốc độ cao được đưa ra từ lâu, tranh luận quyết liệt, và cho đến nay, cũng chưa khẳng định đã có bên thắng. Nhưng có thể nói, tàu tốc độ cao có sức thuyết phục hơn tàu cao tốc.
Bởi lẽ, câu hỏi đặt ra là tiền đâu để đầu tư tàu cao tốc?
Với phương án xây dựng đường sắt tốc độ 350 km/h, với tổng vốn 58,7 tỉ USD, đó là làm chuẩn chỉ, còn trúc trắc, trục trặc như các dự án giao thông đường sắt trên cao, metro, thì không biết sẽ thêm bao nhiêu để có con số cuối cùng.
Nếu áp dụng phương án đường sắt tốc độ 200 km/h, tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 26 tỉ USD.
Còn nữa, với thời gian xây dựng kéo dài, liệu cách tính để cho ra con số 58,7 tỉ đã là tính đủ tính đúng chưa, hay đến lúc cuối lại bảo tính nhầm. Cho nên, về phương diện tài chính, không thấy có sự đảm bảo nào để có sự yên tâm trong đầu tư dự án.
Và cho dù bài toán tài chính đầu tư dự án tính đúng, thì nguồn lực trong nước không đủ, phải đi vay. Gánh nặng ngân sách phải chịu thêm môt sức ép quá lớn, tiền bạc đổ vào “canh bạc” này sẽ làm ảnh hưởng chung cả nền kinh tế.
Thôi hãy cứ cho viễn cảnh lạc quan nhất, đó là hoàn thành dự án đường sắt cao tốc thì thêm bài toán nữa, đó là giá vé bao nhiêu. Thu vé giá cao thì không có hành khách, thu vé thấp thì không đủ để bù chi phí hoạt động. Tàu cao tốc mà không có hành khách để có dòng tiền vào thì liệu có đủ sức để vận hành không?
Thêm câu hỏi nữa, ngay bây giờ khi chúng ta đang còn bàn cãi cho đến khi hoàn thành dự án dự kiến là năm 2030, liệu công nghệ của ngày hôm nay mà chúng ta áp dụng có còn hiện đại không hay đã lạc hậu ngay từ khi còn đang xây dựng.
Trong lúc, thực tế trước mắt, từng ngày là tuyến đường sắt Bắc - Nam không khai thác hiệu quả, hành khách, hàng hóa dồn lên đường bộ. Sự quá tải của đường bộ tạo ra những hậu quả như chúng ta đã chứng kiến, đặc biệt là tai nạn giao thông.
Trước đòi hỏi cấp bách của phát triển, cần một dự án có thể thực hiện nhanh, hiệu quả, thì đường sắt tốc độ cao là phương án phù hợp. Đã có nhiều chuyên gia đề xuất phương án đường sắt khổ đường 1.435 mét, chạy bình quân tốc độ 150km/h, mức đầu tư bằng 1/4 đường sắt cao tốc.
Trong điều kiện Việt Nam, có đường sắt Bắc - Nam tốc độ 150km để chở hành khách và hàng hóa, thì bộ mặt giao thông chung đã thay đổi, người dân, doanh nghiệp có thêm kênh lưu thông để lựa chọn, tác động tích cực cho phát triển kinh tế.
LÊ THANH PHONG (LĐO)