Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu đã tiếp xúc với hàng trăm người nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn
Ngày 20-7, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với ngành y tế tỉnh Đắk Lắk về tình hình và công tác phòng chống dịch, trong đó có bệnh bạch hầu. Theo kế hoạch, hôm nay (21-7), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu sẽ làm việc tại tỉnh Đắk Lắk về công tác khám, điều trị bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên.
Chuẩn bị tiêm hàng triệu liều vắc-xin
Ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, cho biết tính đến sáng 20-7, toàn tỉnh có 18 trường hợp dương tính với bạch hầu tại 5 huyện gồm: Lắk, M’Đrắk, Cư M’gar, Krông Bông và Cư Kuin. Trong đó, một trường hợp vừa được phát hiện là một thanh niên 19 tuổi (ngụ xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông). Trong 18 trường hợp dương tính với bạch hầu, có 9 người lành mang trùng. Ngành y tế tỉnh này chuẩn bị tiêm vắc-xin Td cho 7.500 cán bộ nhân viên y tế trên toàn tỉnh, hơn 3,7 triệu liều, tiêm 2 vòng cho người dân toàn tỉnh.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết tình hình dịch bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, đặc biệt những ngày qua, liên tiếp ghi nhận các ca mắc bạch hầu mới tại nhiều địa phương. Ngành y tế tỉnh đã khoanh vùng, cách ly, phun hóa chất xử lý môi trường tại các xã có bệnh nhân. Đến nay, đã cách ly 8.580 trường hợp, xử lý hóa chất 1.977 hộ gia đình; 4.314 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu cho 6.550 trường hợp…
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất với Cục Y tế dự phòng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ công tác xét nghiệm, triển khai tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu cho địa phương để kịp thời điều trị bệnh nhân, hạn chế các trường hợp biến chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đề nghị ngành y tế Đắk Lắk tiếp tục triển khai công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc-xin, điều trị dự phòng cho người dân tại các địa phương có ca bệnh bạch hầu; rà soát kỹ các nhóm đối tượng để triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đạt tỉ lệ và hiệu quả cao; chú trọng tiêm vắc-xin phòng bệnh tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Kiểm tra y tế tại chốt cách ly phòng chống bạch hầu ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk |
Nguy cơ lây lan ra cộng đồng
Trong số các trường hợp mắc bệnh, trường hợp ông L.H.N (ngụ thôn 13, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin) có nguy cơ lây lan ra cộng đồng cao. Trong những ngày khởi bệnh chưa đi khám tại cơ sở y tế, do không biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, ông N. vẫn giao lưu, tiếp xúc với nhiều người trong thôn. Đặc biệt, ông N. đã tham gia tiệc tân gia tại một gia đình trong thôn với khoảng 300 người.
Ngành y tế đã thực hiện các biện pháp như cách ly, khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn 13, cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh. Thành lập các chốt chặn kiểm soát người ra vào thôn để ngăn chặn tình trạng lây lan mầm bệnh ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người trong quá trình mang bệnh là nguy cơ dẫn đến xuất hiện nhiều ca bệnh khác. Trong quá trình điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân này, cán bộ y tế phát hiện một số người tiếp xúc với ca bệnh có dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau họng.
Tại Đắk Nông, ông Êban Thanh Sơn, Phó Giám đốc CDC Đắk Nông, cho biết đến chiều 20-7, tỉnh này có 32 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 2 ca tử vong. Trong đó, trường hợp bệnh nhân Điểu Trường S. (SN 2009, ngụ bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cháu S. đã được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Theo ông Sơn, trong thời gian phát bệnh, cháu S. tới Trường Dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp để dự lễ tổng kết. Trong thời gian nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp, cháu S. đã di chuyển qua nhiều khoa, tiếp xúc với nhiều người. Do đó, ngành y tế đang truy tìm để khám sàng lọc, điều trị, cách ly cho các trường hợp liên quan đến bệnh nhân này. "Tại Trường Dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp, ngành y tế đã khám sàng lọc 170/219 thầy cô giáo và học sinh. Các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp đã được khám sàng lọc, uống thuốc dự phòng để cắt nguồn lây và cách ly một số trường hợp tiếp xúc gần. Đây là ca nhiễm bạch hầu có tiền sử dịch tễ khá phức tạp, có khả năng lây lan cho rất nhiều người" - ông Sơn cho biết thêm.
Bảo đảm đời sống cho người dân vùng cách ly UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương có biện pháp hỗ trợ cho người dân vùng dịch để ổn định đời sống trong thời gian cách ly. Đồng thời, đồng ý cho Sở Y tế phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể, các tổ chức từ thiện tặng quà cho người dân. Theo ông Nay Phi La, ngành y tế đang tổ chức cách ly hàng ngàn người dân tại các thôn, buôn ghi nhận có ca mắc bệnh bạch hầu để tránh lây lan bệnh ra ngoài. Với tâm lý lo miếng ăn hằng ngày, khi nghe cách ly, không được lên nương rẫy nên người dân ngại và trốn. Trước tình hình này, ngành y tế đã xin chủ trương của UBND tỉnh, phối hợp với các tổ chức từ thiện, các nhà tài trợ đi tuyên truyền, tặng quà để đưa người dân về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. |
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)