(GLO)- Theo số liệu từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm Tây Nguyên, hiện diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm tỷ lệ cao (trên 100 ngàn ha), khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước đã già cỗi và cần phải tái canh.
Hầu hết diện tích cà phê ở đây đều có tuổi đời từ 20 năm đến 30 năm khai thác, tuy nhiên hiện sản lượng và năng suất của diện tích cà phê này đang có dấu hiệu giảm dần theo từng niên vụ.
Cả nước hiện có khoảng 530 ngàn ha đất trồng cà phê. Đáng lo ngại là đến 30% tổng diện tích cà phê đã già và cho chất lượng thấp, tập trung chủ yếu tại Đak Lak và Lâm Đồng cần phải thay thế trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Đak Lak là tỉnh có diện tích, sản lượng cà phê vối lớn nhất nước, với trên 185.000 ha, sản lượng hàng năm đạt từ 380.000 tấn cà phê nhân trở lên. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay Đak Lak có trên 51% diện tích cà phê đã trên 15 tuổi, trong đó có gần 30.000 ha được trồng trước những năm 90 của thế kỷ trước nên trong 5-10 năm nữa, toàn tỉnh có trên 50% diện tích cà phê bị “lão hóa”, hết chu kỳ kinh doanh, phải cưa đốn, phục hồi, hoặc trồng tái canh.
Bá Thăng