Kinh tế

Tây Nguyên: Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong những năm qua, mặc dù là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới và là quốc gia số 1 về xuất khẩu cà phê Robusta, tổng lượng cà phê của Việt Nam được giao dịch trên thị trường thế giới chiếm tới 40% nhưng các doanh nghiệp nước ta chủ yếu “loanh quanh” ngoài thị trường, chưa phải là những người tận dụng lợi thế về số lượng để khống chế về giá nên luôn là người thua thiệt.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sản phẩm cà phê của ta chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, lại được xuất khẩu gián tiếp cho các nhà nhập khẩu lớn của thế giới, sau đó cà phê Việt Nam được pha trộn với các loại cà phê chất lượng cao của các nước khác như: Ấn Độ, Colombia... để đưa vào thị trường giao dịch.
Thu mua cà phê. Ảnh: K.N.B
Vả lại, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam luôn chịu nhiều áp lực. Trước tiên là bị các đối tác nước ngoài ép giá do chất lượng thấp và sử dụng các kỹ thuật giao dịch trên thị trường. Kế đến, các doanh nghiệp bị chính các đại lý thu mua trong nước găm hàng ép giá vì họ biết các doanh nghiệp trong nước khi không mua đủ hàng để giao đúng thời hạn hợp đồng thì sẽ bị phạt hợp đồng. Cuối cùng, hầu hết lượng cà phê do nông dân sản xuất đều do các đại lý thu gom theo kiểu đánh đồng chất lượng, dẫn đến việc nông dân ít quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm mà thu hái theo cách nào có lợi cho mình nhất, tức là tuốt cả quả xanh lẫn quả chín làm cho phẩm chất cà phê Việt Nam rất thấp, doanh nghiệp xuất khẩu phải tốn chi phí chế biến, phân loại... dẫn đến tăng chi phí đầu ra...
Chính vì lẽ đó mà Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đưa ra một chiến lược mới nhằm đảm bảo cho ngành cà phê phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp để tập trung nâng cao phẩm chất sản phẩm cà phê qua đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê cả nước trong niên vụ 2010-2011 sẽ giảm khoảng 10% vì hạt cà phê nhỏ do hạn hán hồi đầu năm và số cây cà phê già cỗi có tuổi đời trên dưới 25 chiếm gần 1/3 diện tích. Trong 10 tháng năm 2010, tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt 973.000 tấn, với kim ngạch 1,4 tỷ USD. Theo kế hoạch của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong năm nay sẽ đạt khoảng 1,8 tỷ USD.
Ông Đoàn Xuân Hòa- Phó cục trưởng Cục Chế biến Nông-Lâm-Thủy-Hải sản và Nghề muối-Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Bộ này đang xây dựng đề án phát triển ngành cà phê để trình Chính phủ phê duyệt điều hành việc bán và tạm trữ một cách chủ động theo tình hình thị trường và đưa ra một chiến lược xuất khẩu cho ngành cà phê nước ta trong thời gian tới.
Theo đề án này, nông dân trồng cà phê sẽ được hỗ trợ vốn từ đầu mỗi vụ mùa, sau khi tham gia ký kết hợp đồng bán cà phê cho doanh nghiệp, chất lượng cà phê thu hái sẽ được doanh nghiệp giám sát, doanh nghiệp sẽ đứng ra bảo lãnh cho nông dân vay vốn bằng tài sản thế chấp của chính nông dân. Bên cạnh đó, nếu giá cà phê xuống thấp, doanh nghiệp được chỉ định sẽ được vay vốn mua tạm trữ một lượng nhất định nhằm duy trì mức giá bán trên thị trường. Chất lượng cà phê xuất khẩu cũng sẽ được kiểm soát bằng cách: Nếu doanh nghiệp xuất khẩu trong 1 năm mà có lượng cà phê chất lượng thấp chiếm tỷ lệ vượt quá 10% sẽ bị phạt với mức phạt khoảng 1 USD/tấn.

Với sự điều chỉnh về chiến lược, hy vọng hoạt động xuất khẩu cà phê sẽ được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực.
Hồng Hà

Có thể bạn quan tâm