Kinh tế

Tây Nguyên: Tìm hướng xuất khẩu cao su bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu vực Tây Nguyên hiện là vùng cao su trọng điểm thứ hai của Việt Nam sau khu vực Đông Nam bộ. Theo quy hoạch của Chính phủ, với tổng diện tích định hình 400.000 ha, đến năm 2015, khu vực này sẽ trở thành vùng sản xuất cao su thiên nhiên quan trọng của Việt Nam. Đồng thời, đây còn là cửa ngõ ra thế giới cho các dự án phát triển vùng cao su mới ở Lào, Campuchia và Thái Lan.
Dây chuyền chế biến mủ cao su. Ảnh: K.N.B
Dây chuyền chế biến mủ cao su. Ảnh: K.N.B
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, với lượng tiêu thụ năm 2009 đạt hơn 3 triệu tấn cao su thiên nhiên và nhập khoảng 2 triệu tấn từ các nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, lượng cao su Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm 2009 đạt khoảng 495.000 tấn, chiếm gần 70% lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của cả nước, trong đó xuất theo đường mậu biên là 372.400 tấn. Còn phương thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 9% tổng lượng cao su Việt Nam xuất khẩu. Như vậy, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất hiện nay của ngành cao su Việt Nam.

Theo dự đoán của một số tổ chức quốc tế, sau khủng hoảng kinh tế thế giới, tiêu thụ cao su tăng mạnh vào năm 2010 (8,6%) và năm 2011 (4,6%), sau đó chỉ tăng nhẹ đến năm 2020, với mức 3-4% hàng năm. Trong khi đó, nguồn cung cao su ở các khu vực trọng điểm trên thế giới sẽ chỉ tăng khoảng 5,6% trong các năm 2010 và 2011, nên có thể thiếu hụt so với nhu cầu và đẩy giá cao su lên mức cao.
 
Sản lượng cao su khu vực Tây Nguyên theo quy hoạch có khả năng tăng 400.000-500.000 tấn vào những năm 2020. Đây sẽ là một trong những nơi sản xuất cao su thiên nhiên lớn của Việt Nam và của cả thế giới. Nhưng với chính sách quản lý xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới thường xuyên thay đổi, thì phương thức xuất khẩu mậu biên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như vậy, cần tìm những giải pháp tiêu thụ và xuất khẩu bền vững cho khu vực này.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa- Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, một trong những giải pháp nhằm tăng cường tính bền vững cho việc tiêu thụ và xuất khẩu cao su khu vực Tây Nguyên là cần đẩy mạnh việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cao su trong nước. Bên cạnh đó, phải đảm bảo chất lượng và bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để có thể mở rộng thị trường; chuyển sang xuất khẩu chính ngạch là chủ yếu, kể cả thị trường Trung Quốc. Điều quan trọng là cần giữ gìn uy tín thương mại đối với khách hàng trong và ngoài nước; hoàn thiện hệ thống kho bãi để dự trữ cao su, đảm bảo số lượng cho các đơn hàng dài hạn và ổn định.
Một điểm cốt yếu nữa là các công ty cao su trong khu vực nên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin được các bộ, Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức, để giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu uy tín và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, bên cạnh việc duy trì thị trường truyền thống Trung Quốc.
Đức Trung

Có thể bạn quan tâm