(GLO)- Không khí Tết đã tràn về khắp mọi ngõ ngách của Phố núi. Nhiều gia đình bắt đầu rục rịch dọn dẹp nhà cửa để chào đón Tân niên. Các thiết bị, đồ gia dụng hỏng, cũ được thải ra nhiều hơn, và đây chính là thời điểm “ăn nên làm ra” của những người mua bán nhôm nhựa, đồng nát.
Những ngày này, trên khắp các tuyến đường ở TP. Pleiku, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh người phụ nữ với chiếc xe đạp cọc cạch, chở đằng sau cả đống giấy vụn, ve chai… Tất thảy họ dường như đều cố gắng nhanh nhẹn hơn những ngày bình thường, tranh thủ kiếm thêm khoản thu nhập trong “vụ mùa” của mình.
Những ngày này, ta dễ dàng bắt gặp những người mua bán nhôm nhựa trên muôn nẻo đường của TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi |
Theo nhận định của những người hành nghề này, thời điểm trước và sau Tết là lúc mà họ làm ăn được nhất. Chị Phan Thị Hiệp (quê ở Phù Cát, Bình Định)-người có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề mua nhôm nhựa tại Phố núi-chia sẻ: “Trước khi đón năm mới, gia đình nào cũng tân trang, dọn dẹp lại nhà cửa cho tươm tất. Đồ gia dụng, thiết bị điện tử cũ kỹ, hư hỏng hay các vật dụng khác không dùng đến đều được thu gom để bán ve chai. Còn sau Tết, những phế thải như: lon nhôm, chai nhựa, hộp đựng mứt, bánh kẹo… rất nhiều, được bán ra với giá rẻ hơn ngày thường, thậm chí có chủ nhà còn cho không, coi như là lì xì cho mình”.
Chị Hiệp cùng chiếc xe đạp cọc cạch của mình hơn 10 năm gắn bó với Phố núi bằng cái nghề này. Ảnh: Hồng Thi |
Nếu như bình thường trong năm, trung bình mỗi ngày, họ chỉ kiếm được 30.000 đồng đến 40.000 đồng, thì vào dịp cận Tết, số thu nhập ấy đã tăng lên từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng. “Chỉ còn vài ngày nữa là Tết nhưng tụi tui vẫn cần mẫn lang thang khắp nơi từ sáng sớm tới chiều tối mới về. Nói là làm quanh năm nhưng được có 2 mùa nên ai cũng cố gắng đi nhiều hơn, mong kiếm thêm một ít nữa mà ăn Tết”- bà Nguyễn Thị Phước (60 tuổi, ở Buôn Đôn, Đak Lak) bộc bạch.
Các địa điểm, đại lý thu mua ve chai luôn nhộn nhịp cảnh người vào ra. Ảnh: Hồng Thi |
Về chiều, tại các địa điểm thu mua phế liệu trên các tuyến đường Yên Đỗ, Lý Thái Tổ, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Công Trứ… trở nên rộn ràng bởi tiếng nói cười, trò chuyện của người mua kẻ bán hay giữa những người bạn cùng hành nghề với nhau. Cảnh tháo dỡ, khiên hàng, phân loại phế liệu… nhộn nhịp cả một khu vực. Chị Lê Thị Thanh Tiền-chủ điểm thu mua phế liệu (51 Nguyễn Tất Thành), cho biết: “Những ngày này thì tấp nập, vất vả hơn xíu vì hàng hóa người ta đem về bán nhiều, thường xuyên, thậm chí có người “trúng” thì ngày chở tới 2-3 lần. Giá cả mua vẫn như cũ chứ không tăng, chỉ có số lượng mua vào tăng thôi. Ngày thường thì chúng tôi mua được khoảng 2 triệu đồng là cùng, dịp này thì lên tầm 5 triệu đồng. Phế liệu sau khi phân loại và sơ chế, chúng tôi sẽ đưa đi Đak Lak, Sài Gòn để bán lại”.
Sự cạnh tranh mua-bán vào dịp cận Tết cũng khiến nhiều người hành nghề này gặp khó. Ảnh: Hồng Thi |
Vui vì “vào mùa” là thế, song bên cạnh đó, người mua bán ve chai, nhôm nhựa cũng gặp phải không ít những khó khăn như: sự cạnh tranh, sự chèn ép của chủ đại lý… “Thời điểm này ăn nên làm ra nên ai cũng tập trung về đây. Có người làm ở các huyện cũng bỏ lên phố; có người quanh năm làm ruộng hoặc công việc khác, giờ cũng tranh thủ đi mua mong có thêm vài ba trăm đồng tiêu Tết. Đồ thải ra nhiều mà người mua cũng tăng thì số lượng mua được cũng chẳng là bao”- chị Hiệp lý giải.
Hồng Thi