(GLO)- Sáng 21-4-2015, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam tổ chức trao Bảng vàng những gương mặt trí thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế-xã hội năm 2014 cho 100 cá nhân. Đây là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho tinh thần và hoài bão của lực lượng trí thức Việt Nam ngày nay, trong đó có Th.S Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai.
Tuy tham gia công tác từ năm 1977 nhưng có lẽ từ năm 1981 đến nay là thời kỳ mà anh Nguyễn Dũng có nhiều đóng góp nổi bật trên mặt trận kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh cho huyện Chư Sê và tỉnh Gia Lai.
Thạc sĩ Nguyễn Dũng (bên trái) tại lễ trao bảng vàng. |
Trong gần 30 năm công tác tại huyện, anh luôn luôn giữ vai trò trung tâm tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong Thường trực, Ban Thường vụ, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; HĐND, UBND huyện thực hiện tốt công tác đối nội, đối ngoại, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, anh đã cùng tập thể lãnh đạo huyện đề ra nhiều giải pháp cụ thể để khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng. Anh tham gia nhiều hội nghị quốc tế ở Hoa Kỳ, Liên bang Nga, CHLB Đức, Anh, Ba Lan, Indonesia, Singapore và các nước Nam Mỹ như: Venezuela, Colombia, Peru… để xây dựng, quảng bá thương hiệu hồ tiêu Chư Sê ra 72 nước vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, hồ tiêu Chư Sê trở thành sản phẩm nổi tiếng, có thương hiệu và chất lượng hàng đầu trong ngành hồ tiêu Việt Nam. Hàng trăm hộ nông dân của huyện trở thành tỷ phú từ cây hồ tiêu và các cây công nghiệp khác.
Từ năm 2008 đến 2010, thu ngân sách huyện liên tục tăng khá. Năm 1982 chỉ có 140 triệu đồng đến năm 2010 huyện được chia tách nhưng vẫn đạt trên 93 tỷ đồng và là huyện đứng thứ hai trong 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về thu ngân sách. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập GDP bình quân đầu người tăng liên tục.
Với cương vị là Chủ tịch UBND huyện, anh đã cùng tập thể lãnh đạo huyện thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa tập trung xây dựng tuyến phòng thủ quốc phòng-an ninh vững chắc, quan tâm lực lượng vũ trang phối hợp tốt với các lực lượng chức năng của Trung ương như: Quân đoàn 3, Cục An ninh Tây Nguyên, Lữ đoàn 132 và các lực lượng của tỉnh tăng cường cho huyện làm tốt công tác dân vận phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy và trực tiếp xây dựng đề án, quy hoạch chuẩn bị đủ điều kiện cơ bản về cơ sở vật chất trình HĐND tỉnh báo cáo Chính phủ sớm chia tách huyện Chư Sê, thành lập huyện mới Chư Pưh đi vào hoạt động đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ và nhân dân cũng như yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh của 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh.
Từ ngày 1-7-2010 đến nay, anh được Tỉnh ủy và UBND tỉnh phân công, điều động về công tác tại Sở Tài chính và bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài chính. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành Tài chính tỉnh nhà, anh đã nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương và HĐND, UBND tỉnh giao; chi ngân sách đảm bảo đúng theo dự toán Trung ương giao, HĐND tỉnh phê chuẩn, qua kiểm toán các năm đều được chấp nhận. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 2.691 tỷ đồng đến 3.628 tỷ đồng, vượt từ 7% đến 41,2% dự toán Bộ Tài chính giao và vượt từ 0,78% đến 25,8% dự toán HĐND tỉnh giao. Chi ngân sách địa phương mỗi năm từ 5.753 tỷ đồng đến 9.729 tỷ đồng, bằng 110,5%-162% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 105,6-145% dự toán HĐND tỉnh giao. Đối với công tác quản lý vốn đầu tư, anh đã chỉ đạo thực hiện thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành theo phân cấp của UBND tỉnh, đã tiếp nhận 633 dự án và thẩm tra 619 dự án hoàn thành. Qua thẩm tra đã thực hiện giảm trừ số tiền là 5,507 tỷ đồng và hướng dẫn các đơn vị thực hiện tất toán vốn, quản lý tài sản cố định đưa vào sử dụng theo đúng quy định. Sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, anh đã tham mưu cho UBND tỉnh tiết kiệm hơn 18 tỷ đồng, chỉ đạo thực hiện việc trích nộp 30% từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng quy định, với tổng số tiền trích nộp đến nay đạt trên 202 tỷ đồng, vượt mục tiêu, nhiệm vụ mà HĐND, UBND tỉnh đề ra trên 100 tỷ đồng. Hàng năm, anh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá hiệu quả hoạt động các công ty nhà nước thuộc tỉnh quản lý không để thua lỗ như trước đây và đã có 9 doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Riêng công tác thanh tra tài chính, anh đã tập trung chỉ đạo tiến hành thanh tra 42 cuộc đã phát hiện và xử lý sai phạm với số tiền 19,051 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi vào ngân sách hơn 10,477 tỷ đồng; giảm chi, giảm thanh toán hơn 1,395 tỷ đồng…
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nền tài chính công ở địa phương, anh đã trực tiếp báo cáo Bộ Tài chính và chủ trì xây dựng đề án cải tiến nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ triển khai hệ thống quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nhờ được nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT của Sở Tài chính nên năm 2013-2014 được Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá và xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT đạt kết quả tốt, đứng thứ 5/20 trong các sở có hệ thống CNTT; giúp UBND tỉnh, Bộ Tài chính nắm bắt tình hình thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh và các địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Ngày 21-4-2015, anh đã được Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam bình chọn và vinh danh là một trong 100 gương mặt trí thức tiêu biểu năm 2014 đạt thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế thời gian vừa qua.
Văn Thư