Kinh tế

Thách thức mới đối với đồ gỗ Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xét về thị phần đồ gỗ trên địa bàn tỉnh ta thời điểm hiện tại thì hàng nội đang khẳng định vị trí số 1 sau thời gian dài nép mình đứng sau hàng nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường gỗ nội lại sắp phải đối mặt với thách thức mới khi đến cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đồ gỗ của vùng Tây Nguyên nói chung, của Gia Lai nói riêng trên thị trường đồ gỗ cả nước đã có một vị thế khá vững chắc với chất lượng đã được khẳng định. Bên cạnh đó, nhằm mở rộng thị phần, phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chú trọng đến mẫu mã, phong cách cũng như thang giá cả cho các sản phẩm. Khi nói về khả năng cạnh tranh với các loại gỗ nhập khẩu, ông Nguyễn Quang Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Nguyễn Quang Gia Lai (53 Trần Phú, TP. Pleiku) rất tự tin: “Tất cả các sản phẩm gỗ đều đã qua xử lý công nghiệp nên sản phẩm vẫn không bị cong vênh, nứt nẻ, mối mọt. Với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã rất cạnh tranh, chất lượng tốt, có đẳng cấp riêng, Nguyễn Quang Gia Lai hầu như không lo hàng ngoại cũng như các thương hiệu gỗ lớn trong nước lấn sân”. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khi Công ty sản xuất cả sản phẩm gỗ nội thất cao cấp lẫn bình dân, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Sản phẩm đều do Công ty tự thiết kế, sản xuất với đội ngũ thiết kế, kỹ thuật lành nghề, có đặc trưng riêng, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

 

Showroom đồ gỗ nội thất của Công ty TNHH Nguyễn Quang Gia Lai. Ảnh: L.H

Tuy nhiên, cuối năm 2015, thị trường đồ gỗ sẽ phải đối mặt với một thách thức khá lớn khi hàng từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam dần giảm thuế suất đến 0%, đồng nghĩa với việc đồ gỗ nước ngoài sẽ tràn vào ồ ạt. Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hàng từ các nước trong khối nhập vào Việt Nam dần giảm thuế suất đến 0%, chi phí hàng nhập khẩu giảm, giá đồ gỗ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục xuống thấp. Chưa kể đồ gỗ của các quốc gia sẽ ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có cơ hội tràn mạnh vào Việt Nam, đe dọa thị phần đồ gỗ trong nước.  

Cũng theo đánh giá của Vifores, hai nước có khả năng là đối thủ lớn, đe dọa thị phần đồ gỗ trong nước là Thái Lan và Malaysia, bởi 2 nước này đã có sẵn các nhà máy chế biến gỗ tại Việt Nam. Một nước khác cũng đáng gờm, mặc dù chất lượng không cao nhưng với những ưu đãi hấp dẫn về giá cũng góp phần vào việc đe dọa thị phần đồ gỗ là Trung Quốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp chuyên về gỗ ở Gia Lai với số lượng gỗ nguyên liệu tại chỗ đang ngày càng ít và hiếm (đối với các loại gỗ quý), phải nhập ngược từ các nước Campuchia, Myanmar và Nga (gỗ sồi), Thái Lan, Malaysia… Thêm nữa, hầu hết các phụ liệu sản xuất đồ gỗ nội thất như: mâm xoay, tay nắm, bánh xe, chân bàn, bản lề, thanh trượt… đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa kể, với một đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ cần sản xuất, giao hàng và thu tiền là xong, còn để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn từ khâu thiết kế, tiếp thị, tổ chức bán hàng..., quá trình dài hơn. Tất cả các yếu tố trên khiến vấn đề giá cả sản phẩm đã bị đội lên một cách bắt buộc.

 

 

Hiện tại, Gia Lai vẫn là địa phương có tiếng về sản xuất đồ gỗ nội thất, chuyên cung cấp cho khu vực Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung với cả trăm cơ sở sản xuất, buôn bán. Các sản phẩm gỗ nội thất của Gia Lai phong phú về mẫu mã, đầy đủ phong cách từ châu Âu lẫn châu Á. Giá cả cũng khá đa dạng từ bình dân đến cao cấp. Có chiếc giường giá bán chỉ 3 triệu đồng/chiếc, cũng có loại lên đến 20-30 triệu đồng/chiếc. Khi khách có nhu cầu mua sản phẩm cao cấp từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng với các loại gỗ quý, như: gõ đỏ, cẩm lai, lim..., các doanh nghiệp cũng sẵn sàng cung ứng. Vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp kinh doanh gỗ vững vàng đối mặt với thách thức?

Có lẽ, ngoài việc chính quyền địa phương có những chính sách, ưu đãi đặc thù như liên kết giữa làng nghề và doanh nghiệp trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa thì chính các doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình. Thiết nghĩ các doanh nghiệp phải liên kết đẩy mạnh đầu tư sản xuất, cung cấp dịch vụ… để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu của đa số người tiêu dùng.

Linh Hoàng

Có thể bạn quan tâm