Song song với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với một loại “dịch” khác: tham nhũng liên quan tới việc mua vật tư và thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh này.
Trang thiết bị y tế thiếu hụt trầm trọng khắp nơi trên thế giới
Loạn mua thiết bị Trung Mỹ
Trung Mỹ là nơi có hơn 1/2 trên tổng số 50 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói và khủng hoảng bởi bạo lực băng đảng và buôn bán ma túy. Tuy dịch mới bùng phát ở khu vực này nhưng Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ở Mỹ Latinh vừa đưa ra cảnh báo tham nhũng liên quan đến việc mua vật tư và thiết bị y tế có thể gia tăng đáng kể.
Cảnh báo được đưa ra sau khi cơ quan công tố của Panama vừa mở cuộc điều tra tham nhũng liên quan tới Phó chánh Văn phòng Phủ Tổng thống về hợp đồng mua 100 máy thở di động từ một nhà cung cấp không xác định với mức giá 48.950 USD/bộ, cao hơn nhiều so với mức dao động 6.000-10.000 USD/bộ trước thời điểm diễn ra dịch. Trước đó, cơ quan công tố chống tham nhũng của Panama cũng mở cuộc điều tra về những bất thường trong hợp đồng trị giá 168 triệu USD với một công ty của Mexico về việc phân phối thuốc chữa bệnh trong gói bảo hiểm xã hội của người dân nước này.
Tại Guatemala, ngày 20-4, công tố viên Jordán Rodas Andrade đã yêu cầu chính phủ cách chức Bộ trưởng Y tế Hugo Monroy Castillo bởi những cáo buộc thực hiện các giao dịch và hợp đồng có yếu tố bất thường về mua vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19. Tại Honduras, Bộ Hành chính công nước này cho biết đang điều tra nhiều khiếu nại của các tổ chức xã hội dân sự về cáo buộc tham nhũng trong các giao dịch cũng như hợp đồng mua thiết bị y tế chống dịch được thực hiện bởi nhiều quan chức trong những lĩnh vực liên quan tới công tác phòng chống dịch.
Trước thực trạng này, TI ở Mỹ Latinh yêu cầu cơ quan chức năng cần phải công khai, minh bạch các thông tin về hợp đồng và cần kích hoạt các cơ quan chống độc quyền để tránh thông đồng giữa các chủ thể kinh tế dẫn đến đầu cơ giá cả, lợi dụng dịch bệnh trục lợi.
Châu Âu cũng rối bời
Kịch bản tương tự đang diễn ra ở lục địa già - nơi được đánh giá cao về tính minh bạch trong sử dụng công quỹ. Thông thường, đối với các cơ quan chính phủ, việc mua hàng phải theo quy trình trả giá trước, tìm nhiều nguồn hàng và chọn nhà cung cấp tốt nhất bằng cách áp dụng các tiêu chí được quy định chặt chẽ. Để minh bạch, các chi tiết đấu thầu phải được công bố trên các cổng internet mở vì các khoản mua của chính phủ chiếm gần 1/3 chi tiêu của nhà nước ở các nước thu nhập cao. Theo Trung tâm Nghiên cứu tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP), tham nhũng trong lĩnh vực này có thể khiến người dân EU phải đóng thuế thêm 5 tỷ USD mỗi năm.
Trong giai đoạn hỗn loạn vì dịch bệnh, các cơ quan lớn nhỏ, từ thành phố đến thị trấn đều mua thiết bị y tế từ các nhà cung cấp trực tiếp, không trả giá và ít công bố thông tin. Tại Italy, quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, một số hợp đồng nhà nước đã được trao cho công ty có người đứng đầu từng bị cáo buộc gian lận và chiếm dụng công quỹ. Ở nước láng giềng Slovenia, hợp đồng lớn nhất của chính phủ trị giá hơn 25 triệu EUR do một tay trùm cờ bạc không có kinh nghiệm về mua sắm y tế đảm trách. Tại Romania, việc cung cấp khẩu trang đến từ một cựu quan chức nhà nước từng bị kết án thông đồng với một nhóm tội phạm bạo lực có tổ chức.
Ngày 1-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành chỉ thị mua sắm của EU kêu gọi các nước linh hoạt áp dụng các giải pháp nhanh chóng, theo đó, cơ chế này không yêu cầu công bố thông tin đấu thầu, không giới hạn thời gian, không có số lượng ứng cử viên tối thiểu tư vấn hoặc các thủ tục khác…
Về cơ bản, điều này cho phép bất kỳ cơ quan chính phủ ở bất kỳ quốc gia thành viên EU nào cũng có thể mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp, thậm chí qua điện thoại, bỏ qua các biện pháp quản trị chặt chẽ thông thường. Với việc mua sắm khẩn cấp sẽ không có sự minh bạch của đấu thầu bởi vì không có thủ tục đấu thầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó cần có một quy trình minh bạch đằng sau.
Hạnh Chi (SGGPO/ tổng hợp)