TN - Đất & Người

"Thẩm phán" của lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 8 năm làm trưởng thôn, kiêm tổ trưởng tổ hòa giải của thôn An Thượng 2 (xã Song An, thị xã An Khê), ông Đoàn Mạnh Tiến đã hòa giải thành công gần 50 vụ việc mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Bằng kiến thức pháp luật và dựa vào tình người, ông đã hòa giải thành công các vụ việc một cách dễ dàng và được người dân gọi với cái tên thân mật: ông thẩm phán!
 

 Ông Đoàn Mạnh Tiến. Ảnh: Hồng Thương
Ông Đoàn Mạnh Tiến. Ảnh: Hồng Thương

Rất kiệm lời khi nói về mình nhưng ông Tiến lại rất cởi mở khi nhắc đến những lần giúp người dân gỡ bỏ mâu thuẫn. Ông chia sẻ: “Thôn An Thượng 2 có số dân đông nhất xã và hoạt động với đủ loại ngành nghề nên rất dễ nảy sinh nhiều sự việc phức tạp. Mỗi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân, mức độ và tính chất khác nhau. Muốn hòa giải thành công phải tìm hiểu kỹ vấn đề, nắm bắt tư tưởng các bên liên quan. Đối với những vụ việc phức tạp, cần nhờ đến tiếng nói của những người sống lâu năm, người có uy tín tại cơ sở và cả những người chứng kiến sự việc. Sau đó, vừa dựa vào tình cảm, vừa dựa vào pháp luật để tháo gỡ mâu thuẫn. Người làm hòa giải cũng cần đảm bảo tính khách quan, công bằng để tạo được niềm tin cho người dân trong những lần hòa giải sau đó”.

Áp dụng những kinh nghiệm đó, ông đã nhanh chóng hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn, góp phần hàn gắn tình cảm vốn từng bị sứt mẻ giữa các hộ dân cũng như giữa người thân trong gia đình. Một trong số đó là giải quyết thành công tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Lắm và con trai Nguyễn Thành Lim. Vì muốn chiếm 100 m2 đất đã trồng chuối của ông Lắm nên sau nhiều lần uống rượu về, ông Lim đã mang dao ra chặt phá vườn chuối của ông Lắm. Sau khi nhận đơn từ ông Lắm, ông Tiến đã mời cả hai bên về phòng họp thôn để giải quyết. Vừa dựa vào đạo lý làm người, vừa dựa vào pháp luật để răn đe, cuối cùng ông Lim đã đồng ý không chiếm đất của cha mình. Sau đó, ông Lắm cũng quyết định chia đôi mảnh đất cho con trai trồng trọt. Tình cảm cha con cũng được gắn kết êm đẹp trở lại.

Bên cạnh đó, có những vụ việc phức tạp, kéo dài từ năm này qua năm khác tưởng chừng như không có hồi kết nhưng cuối cùng đã được giải quyết triệt để sau khi có sự vào cuộc của “thẩm phán” Tiến. Điển hình như mâu thuẫn giữa gần 40 hộ dân trong thôn với Nhà máy MDF. Vào một ngày cuối tháng 6-2013, bức xúc trước tình trạng khói, bụi và mùi keo của nhà máy gây ô nhiễm, gần 40 hộ dân đã kéo đến trước cổng nhà máy đòi giải quyết sự việc. Đang làm cỏ mía ở rẫy nhưng nhận được điện thoại của lãnh đạo nhà máy, ngay lập tức ông vội vàng chạy về để giải quyết. Ông nhớ lại: “Vụ việc này đã từng xảy ra từ mấy năm trước và mỗi lần kéo đến chỉ 3-5 người nên không đến nỗi phức tạp. Nhưng lần này có đến gần 40 người nên trên đường về, tôi vừa tìm cách “hạ hỏa” cho người dân, vừa gọi điện cho Công an thị xã để chuẩn bị lực lượng hỗ trợ khi sự việc xảy ra theo chiều hướng tiêu cực”. Thế nhưng, sau một buổi nói chuyện giữa ông và các bên liên quan, người dân không còn kéo đến cổng nhà máy và tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra cũng đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh công tác hòa giải, trên cương vị Trưởng thôn, ông thường xuyên gần gũi với người dân để nắm bắt tình hình, kịp thời dập tắt nhiều vụ việc trước khi trở nên phức tạp, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Cùng với đó, ông gương mẫu trong mọi hoạt động ở thôn để nhận được sự đồng lòng của người dân mỗi khi phát động phong trào hay giải quyết sự việc mâu thuẫn. Ông vui vẻ nói: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu mình luôn kề cận với người dân, tạo được uy tín với người dân thì việc gì cũng có thể giải quyết được. Với tôi, phương châm vẫn là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm