Pháp luật

Tin tức

Thẩm phán ra quyết định trái pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo bà Khánh và ông Thịnh, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku đã không thi hành đúng những quy định của Luật Thi hành án Dân sự đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Pleiku.

Nhà mua hợp pháp vẫn bị kê biên


Theo phản ánh của ông Nguyễn Công Thịnh và bà Lưu Thị Như Khánh (trú tại 41 Nay Der, TP. Pleiku): Ngày 4-4-2014, vợ chồng ông có nhận chuyển nhượng căn nhà (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 272 CN/UB được UBND tỉnh Gia Lai cấp ngày 28-4-1993) cùng toàn bộ tài sản gắn liền của ông bà Bùi Văn Phúc, Lê Thị Thắng Hằng. Quá trình mua bán giữa hai bên là tự nguyện, tại thời điểm chuyển nhượng tài sản không bị ngăn chặn bởi các cơ quan có thẩm quyền và hợp đồng chuyển nhượng cũng đã được Văn phòng Công chứng Pleiku công chứng hợp lệ vào ngày 4-4-2014.

 

Căn nhà số 41 Nay Der, TP. Pleiku. Ảnh: T.H

Khi ông Thịnh, bà Khánh tiến hành các thủ tục sang chủ sở hữu tài sản trên tại Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) TP. Pleiku thì được văn phòng tiếp nhận hồ sơ và giao giấy biên nhận. Theo biên nhận, ông Thịnh, bà Khánh tiếp tục thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Những tưởng mọi thủ tục đã hoàn tất, chỉ còn việc đến nhận kết quả tại VPĐKQSDĐ, thế nhưng ông Thịnh, bà Khánh hết sức bất ngờ khi VPĐKQSDĐ từ chối sang tên vì lý do tài sản trên đã bị Tòa án nhân dân (TAND) TP. Pleiku phong tỏa theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán Đặng Ngọc Ba ký ngày 16-4-2014 (tức sau 12 ngày kể từ ngày Văn phòng Công chứng TP. Pleiku xác nhận việc chuyển nhượng trên là hợp lệ).    

Nội dung quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thể hiện: phong tỏa tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Bùi Văn Phúc (SN 1967) và bà Lê Thị Thắng Hằng (SN 1971, cùng trú tại 41 Nay Der, TP. Pleiku) theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở số 272 CN/UB bởi vợ chồng ông Phúc là bị đơn trong một vụ án “Tranh chấp về hợp đồng dân sự vay tài sản”. Ngày 24-7-2014, Tòa án nhân dân TP. Pleiku ra Bản án số 34/2014/DSST buộc vợ chồng ông Phúc phải trả cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu số tiền 900 triệu đồng.

Sau một năm, ông Phúc và bà Hằng vẫn không thực hiện việc thi hành án, ngày 26-6-2015, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của ông Phúc và bà Hằng để đảm bảo cho việc thi hành án trong vụ án trên. Tuy nhiên, tài sản bị kê biên lại chính là căn nhà số 41 Nay Der, TP. Pleiku mà gia đình ông Thịnh, bà Khánh đã mua và đang sử dụng hợp pháp.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái pháp luật

Nhận thấy việc ban hành “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của TAND TP. Pleiku do thẩm phán Đặng Ngọc Ba ký ngày 16-4-2014 trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của mình nên ông Thịnh, bà Khánh có đơn tố cáo thẩm phán Đặng Ngọc Ba đến TAND tỉnh Gia Lai. Ngày 17-8-2015, TAND tỉnh Gia Lai đã có Kết luận số 189/KL-CA do Phó Chánh án Nguyễn Đình Ý ký ghi rõ: “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thu, địa chỉ: 193/14A, Nguyễn Đình Chính, phường 11, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh với bị đơn bà Lê Thị Thắng Hằng và ông Bùi Văn Phúc, địa chỉ: 41 Nay Der, TP. Pleiku, đã thụ lý số 58/2014/TLST-DS, thẩm phán Đặng Ngọc Ba đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 12/2014/QĐ-BPKCTT, ngày 16-4-2014 là đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục.

Tuy nhiên, về nội dung Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc phong tỏa tài sản gắn liền với đất là: nhà 2 tầng, diện tích xây dựng: 234,3 m2, diện tích sử dụng: 395,15 m2 (nhà 41 Nay Der, TP. Pleiku) là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tại thời điểm phong tỏa hợp đồng mua bán nhà đã có hiệu lực từ thời điểm công chứng. Do đó, bà Lê Thị Thắng Hằng và ông Bùi Văn Phúc không còn là chủ sở hữu của tài sản này”.

Hợp đồng công chứng có bị phủ nhận?

Mặc dù bà Lê Thị Thắng Hằng và ông Bùi Văn Phúc không còn là chủ sở hữu tài sản nói trên như kết luận của TAND tỉnh Gia Lai; đồng thời khối tài sản của gia đình ông không liên quan gì đến Bản án số 34/2014/DSST ngày 24-7-2014 của TAND TP. Pleiku và việc thẩm phán Đặng Ngọc Ba ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 12/2014/QĐ-BPKKTT là trái với quy định của pháp luật, thế nhưng, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku cho rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa vẫn đang có hiệu lực thi hành bởi chưa được bãi bỏ hoặc thay thế bằng một quyết định khác nên việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản vẫn có thể tiến hành.

 

Theo quy định tại khoản 5, Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 quy định về trình tự, thủ tục trong giao dịch về nhà ở thì: “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân”. Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp mua bán nhà ở được tính từ ngày hợp đồng mua bán nhà ở được công chứng hoặc chứng thực. Vì vậy, kể từ ngày 4-4-2014 căn nhà số 41 Nay Der, TP. Pleiku đã thuộc quyền sở hữu của bà Khánh, ông Thịnh.

Theo bà Khánh và ông Thịnh, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku đã không thi hành đúng những quy định của Luật Thi hành án Dân sự đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Pleiku. Cụ thể, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku đã chủ động ra Quyết định số 1090/QĐ-CCTHA tổ chức phong tỏa tài sản nhưng không thông báo cho bà Khánh, ông Thịnh là người có liên quan đến tài sản bị phong tỏa, không xác minh điều kiện thi hành án, không thực hiện các biện pháp đảm bảo. Ngày 5-3-2015, khi chấp hành viên lập biên bản giải quyết thi hành án thì vợ chồng bà Khánh có trình bày sự việc và cung cấp hợp đồng mua bán (đã công chứng), chứng từ nộp thuế liên quan, thế nhưng đến ngày 26-6-2015, Chi cục Thi hành án Dân sự TP. Pleiku ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của bà Hằng và ông Phúc (nhưng thực chất chính là tài sản của bà Khánh và ông Thịnh đã mua hợp pháp trước đó).

Ông Thịnh cho rằng, nếu chỉ vì quyền lợi của người được thi hành án mà làm mất quyền lợi hợp pháp của người thứ ba mua nhà, đất là hoàn toàn không công bằng. Do đó ông đề nghị cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại để hủy bỏ quyết định sai trái nói trên của TAND TP. Pleiku, đồng thời công nhận việc chuyển nhượng và quyền sở hữu đất, nhà ở hợp pháp của gia đình ông.

 Trần Hằng

Có thể bạn quan tâm