Thăm quê ngoại Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 124 năm, Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà tranh 3 gian bình dị ở giữa làng Hoàng Trù (tên chữ Nôm là làng Chùa). Làng này chính là quê ngoại của Bác Hồ, nằm cách thành phố Vinh khoảng 15 km về hướng Tây, đi theo quốc lộ 46. Làng Hoàng Trù ở cách làng Kim Liên (tên chữ Nôm là làng Sen)-quê nội của Bác Hồ khoảng 2 km. Hai làng lịch sử này cùng xã Chung Cư, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
 

 Một góc trong cụm di tích làng Hoàng Trù-quê ngoại của Bác Hồ. Ảnh: Hoàng Cư
Một góc trong cụm di tích làng Hoàng Trù-quê ngoại của Bác Hồ. Ảnh: Hoàng Cư

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên và gia phả của dòng họ Hoàng Xuân ở làng Hoàng Trù thì 2 dòng họ này đã sinh cơ lập nghiệp ở xứ Nghệ qua nhiều đời nay. Đến đời ông Nguyễn Sinh Sắc (bố Bác Hồ) thì dòng họ này lâm vào cảnh khó khăn. Thấy thế, ông ngoại của Bác Hồ-cụ Hoàng Đường, tự Văn Cát (1835-1893) đã đưa ông Nguyễn Sinh Sắc về nhà riêng nuôi dưỡng, cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau thời gian miệt mài đèn sách bên nhau, ông Sắc và bà Hoàng Thị Loan (con gái cụ Hoàng Đường-mẹ Bác Hồ) đã có tình ý với nhau. Được cụ Hoàng Đường-cụ Nguyễn Thị Kép (bà ngoại Bác Hồ) tác hợp, ông Sắc-bà Loan nên duyên vợ chồng. Năm 1883, bố mẹ Bác Hồ ra ở riêng tại ngôi nhà tranh 3 gian xinh đẹp, bên cạnh ngôi nhà tranh 5 gian cổ kính của cụ Đường-cụ Kép.

Trong ngôi nhà tranh 3 gian đầm ấm, do cụ Đường-cụ Kép giúp đỡ công của làm mới vào năm 1883, bố mẹ Bác Hồ đã lần lượt sinh thành 4 người con: Nguyễn Sinh Khiêm (cậu cả Khiêm, tự Tất Đạt), Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ) và Nguyễn Sinh Nhuận. Ngày 19-5-1890, trên khu đất hương hỏa của dòng họ Hoàng Xuân, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (người dân sở tại thường gọi là cậu Côn) đã chào đời trong niềm hân hoan hạnh phúc của mọi người. Ngôi nhà nhỏ 3 gian đơn sơ và địa danh lịch sử này đã gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ và những câu chuyện rất cảm động về những bậc sinh thành. Ngày nay, ai ai cũng xúc động, cảm phục những đức tính hy sinh, cần kiệm, nghĩa tình của các bậc tiền nhân khi được tận thấy nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà tranh 5 gian của cụ Đường, đặc biệt là những hiện vật mộc mạc như chiếc võng, chiếc bàn, chiếc phản, chiếc giường, khung dệt vải… trong ngôi nhà tranh 3 gian của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chỉ làm thủ công bằng những chất liệu dân dã như cây đay, dâu tằm, tre nứa, gỗ xoan, gỗ mít… mà các hiện vật ở nơi đây đã trở thành vô giá. Thường ngày, mọi người vẫn nhìn vào những hiện vật đó mà say sưa kể cho nhau nghe những chuyện vĩ nhân đông tây kim cổ, trong đó có sấm truyền: “Đụn Sơn phân đôi/Bò đái thất thanh/Nam Đàn sinh Thánh”…

 

Những hiện vật lịch sử. Ảnh: Hoàng Cư
Những hiện vật lịch sử. Ảnh: Hoàng Cư

Cụm di tích lịch sử ở làng Hoàng Trù rộng khoảng 4.000 m2, gồm có các ngôi nhà tranh tre nứa lá và những vườn rau, luống cà, dãy cây dâu tằm tơ, hàng tre, hàng cau… mang đậm dấu ấn làng quê xứ Nghệ. Toàn cảnh khuôn viên lịch sử này thật xanh sạch đẹp, yên ả và thanh bình. Làng Hoàng Trù (thuộc Khu Di tích Lịch sử Kim Liên) đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm