Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Thẳng thắn đánh giá kết quả đạt được và tập trung vào vấn đề "nóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như tin đã đưa, ngày 9-12, kỳ họp thứ 6-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X bước vào ngày làm việc đầu tiên. Trong ngày làm việc, các đại biểu đã nghe đại diện HĐND-UBND-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số ngành: Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ban của HĐND tỉnh thông qua các báo cáo; thông qua nội dung 11 tờ trình của Thường trực HĐND-UBND trình tại kỳ họp.

Các đại biểu tham dự tại kỳ họp. Ảnh Lê Hòa

Thu ngân sách đạt 3.550 tỷ đồng

Tại kỳ họp, báo cáo do lãnh đạo UBND tỉnh trình bày đã nêu rõ: Năm 2013, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nhìn chung, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn phát triển đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.

 

 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,3%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; GDP bình quân đầu người đạt 30,23 triệu đồng (tăng 15,56% so với năm 2012); giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 8.849 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.531 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 26.242 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước cả năm đạt 260 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước cả năm đạt 33 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện 11.390 tỷ đồng.


Cùng với đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2013 ước đạt 3.550 tỷ đồng, tăng 1,9% so với dự toán (đã trừ đi các khoản giảm thu do thực hiện một số chính sách thuế mới). Ước tính đến cuối năm 2013, nguồn vốn ngân hàng huy động trên địa bàn tỉnh đạt 19.450 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 34.430 tỷ đồng (tăng 17%); tỷ lệ nợ xấu 0,9%...

Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện có 92 xã đạt từ 1-5 tiêu chí, 65 xã đạt 6-8 tiêu chí, 23 xã đạt 9-13 tiêu chí, 5 xã đạt 14-18 tiêu chí. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 17,23%, tương đương 53.389 hộ. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 24.100 lao động (đạt 100,4% kế hoạch), trong đó xuất khẩu 1.300 lao động.

 

 

Cũng tại kỳ họp, UBND tỉnh đã đưa ra một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2014, như: GDP đạt 12,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 13.200 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3.250 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp 9.425 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 8.386 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD; giải quyết việc làm cho 24.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo 14,73%, giảm 2,5% so với cuối năm 2013…

Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề “nóng”

Báo cáo của đại diện các đơn vị, sở, ngành cũng đã đề cập tới những tồn tại, khó khăn ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, đầu năm 2013 đã xảy ra hạn hán cục bộ tại một số địa phương làm hơn 10.419 ha cây trồng vụ Đông Xuân bị giảm năng suất, sản lượng, thiệt hại khoảng 196 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi cơn bão số 15 vào cuối năm 2013 đã gây thiệt hơn 41 tỷ đồng cho nhân dân khu vực phía Đông tỉnh. Không những vậy, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, mì… giảm so với cùng kỳ năm 2012.


Nguồn thu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày càng diễn biến phức tạp, đáng chú ý xảy ra một số vụ có tính chất nghiêm trọng. Trong năm, đã xảy 1.018 vụ vi phạm; đã xử lý 997 vụ, nộp ngân sách hơn 24,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn để xảy ra 4 vụ cháy rừng, thiệt hại 411 ha.

Tai nạn giao thông chưa được kiềm chế. Trong năm đã xảy ra 215 vụ (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2012), làm chết 238 người, bị thương 156 người; phát hiện và xử lý 69.277 trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Các tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng (toàn tỉnh hiện có 961 đối tượng liên quan tới ma túy, 123/222 xã, phường, thị trấn có đối tượng liên quan tới ma túy). Công tác quản lý giá cả, chất lượng thuốc y tế còn lỏng lẻo…

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các đợt tiếp xúc trước kỳ họp do Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét và trả lời tại kỳ họp vẫn là những vấn đề cũ. Đã có 34 ý kiến, kiến nghị của cử tri được đề cập, trong đó 11 ý kiến liên quan tới các vấn đề thuộc lĩnh vực đầu tư-xây dựng cơ bản-giao thông; 8 ý kiến, kiến nghị liên quan tới lĩnh vực tài nguyên-môi trường; 4 kiến nghị đề cập tới chính sách, chế độ, tiền lương, lao động, việc làm; 3 kiến nghị về lĩnh vực y tế…

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã xem xét, lắng nghe phần trình bày nội dung 11 tờ trình do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình. Bao gồm: phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm 2014; đề nghị điều chỉnh Nghị quyết 19/2010/NQ-HĐND ngày 9-12-2010 về việc quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách cho thời kỳ 2010-2015; giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2014; đề nghị thông qua đề án công nhận thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) là đô thị loại IV; chương trình xây dựng nghị quyết, giám sát, dự toán kinh phí hoạt động của HĐND tỉnh năm 2014…

Ngày 10-12, kỳ họp tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ. GLO sẽ thông tin tới bạn đọc.

* Trong thời gian diễn ra kỳ họp, cử tri trong tỉnh có thể trực tiếp phản ánh ý kiến, kiến nghị của mình đối với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các ngành thông qua đường dây nóng: (059)3600556

Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm