Phóng sự - Ký sự

Tháng Tư, dọc dài biên giới…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày tháng Tư, khi những cơn rét ngọt đầu xuân đã nhường chỗ cho cái nắng vàng ươm mật, những mầm xanh tinh khôi đã in hình trên cành lá biếc, đó cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến mảnh đất địa đầu biên cương của Tổ quốc. Đồn Biên phòng La Êê, nơi tận cùng biên giới cực tây của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, các chiến sĩ bộ đội, biên phòng nơi đây vẫn không quản ngại khó khăn, ngày đêm bám trụ đường biên, mốc giới, giữ bình yên bản làng…
 
Thiếu tá Zơ Râm Thân (bên phải) cùng Thiếu tá Alăng Xrăng đang chăm sóc vườn rau xanh tại chốt kiểm soát Đắk Ngol.
Trên “cổng trời” La Êê
Đường lên các xã biên giới của huyện Nam Giang mùa này thật đẹp, chỉ có điều hơi đìu hiu, vắng vẻ. Phải chăng dư âm của “cơn bão” COVID-19 vẫn còn hiện hữu, khi mà sự nhộn nhịp, đông đúc bởi lượng người, phương tiện, hàng hóa di chuyển qua lại cửa khẩu biên giới giữa tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào) trước đây thì nay thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe ô tô di chuyển trên đường, chủ yếu là xe chở gỗ keo do bà con đồng bào khai thác từ rừng trồng...
Đưa chúng tôi lên thăm chốt kiểm soát Đắk Ngol (suối Nước ngọt) là Thiếu tá Zơ Râm Thân (SN 1982), Đội trưởng Đội trinh sát (Đồn biên phòng La Êê) cũng là chốt trưởng. Thiếu tá Thân là người Tà Riềng, sinh ra và lớn lên tại Đắk Ngol, ngoài nghiệp vụ, chuyên môn được trau dồi thì anh khá am hiểu, thông thuộc địa bàn.
 
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê phối hợp với Đại đội bảo vệ biên giới 533 của Lào tuần tra, bảo vệ cột mốc, đường biên.
Chốt Đắk Ngol mặc dù được xem là khá gần so với các chốt kiểm soát khác được BCH Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam và Đồn biên phòng La Êê thành lập kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu manh nha, tuy nhiên cũng phải mất hơn 30 phút đi xe và chừng ấy thời gian cuốc bộ đường rừng chúng tôi mới tiếp cận được.
Chốt nằm trên một ngọn đồi heo hút, cách xa địa bàn dân cư. Cái duy nhất hơn các chốt khác là ở đây đã có điện kéo nhờ của bà con từ dưới bản lên và chỗ ăn ở, sinh hoạt của anh em cán bộ chiến sĩ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khi chúng tôi đến, ngoài số anh em đang đi tuần, thì tại chốt chỉ có Thiếu tá Alăng Xrăng, nhân viên Đội vận động quần chúng, thành viên Tổ kiểm soát tại chốt.    
Gặp chúng tôi, các anh như được gặp lại người thân lâu ngày trở về. Gần gũi, thân thương, không khoảng cách, các anh ôn tồn kể về những công việc, nhiệm vụ mà hằng ngày mình vẫn thực hiện. “Cao điểm nhất là những ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Ngoài tuần tra bảo vệ tuyến biên giới từ cột mốc 709 đến mốc 712 (khoảng 25km), dọc tuyến chủ yếu là địa hình rừng núi, dốc cao, nhiều đường mòn, lối mở nên không tránh khỏi tình trạng người dân lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép” - Thiếu tá Thân nói. Anh minh chứng, vào ngày 29.12.2021, trong quá trình tuần tra, bảo vệ tuyến biên giới, Tổ tuần tra tại chốt phát hiện một nhóm người đang tìm cách xâm nhập vào nội biên. Tổ tuần tra đã tiến hành bắt giữ, dẫn giải về đồn. Tại đây, những người này khai nhận quê ở tỉnh Gia Lai, sau thời gian qua Lào làm công nhân khai thác gỗ thì dịch bệnh bùng phát nên bị kẹt lại. Cuộc sống khó khăn, không còn cách nào khác, họ tìm cách vượt biên để trở về. Vụ việc sau đó được chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
 
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Đoàn Thanh niên và học sinh xã La Êê phát quang, dọn dẹp cột mốc biên giới.
Cũng theo Thiếu tá Thân, vị trí của chốt nằm ở nơi trọng yếu, nhưng cách Đồn Biên phòng La Êê hàng chục ki lô mét, cách xa khu dân cư nên việc phối hợp với các lực lượng dân quân, công an trong công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh gặp không ít trở ngại. Mặt khác, ở đây thời tiết diễn biến khá phức tạp, mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì lạnh.
Bám trụ ở nơi xa xôi, khó khăn, cách trở với đơn vị và nhân dân là thế nhưng anh em trực chốt tại đây vẫn hằng ngày vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ… Và để yên tâm bám trụ, cán bộ chiến sĩ tại chốt vẫn hằng ngày tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi thêm gà, thêm cá để tự cung tự cấp một phần.
Đồn Biên phòng La Êê đóng quân tại địa bàn thôn Pà Ooi, xã La Êê. Đồn được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 35,13km với 13 cột mốc, 3 cọc dấu, tiếp giáp với 9 bản thuộc huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Với địa bàn quản lý rộng gần 24 ngàn héc ta, có 6 thôn thuộc 2 xã La Êê và Chơ Chun của huyện Nam Giang.
“Với đặc thù địa bàn đơn vị quản lý, bảo vệ rộng, việc cơ động không thuận lợi, nhất là mùa mưa bão, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, khai thác lâm khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, thiên tai bão lũ diễn ra liên tục và gây hại nghiêm trọng, dịch bệnh COVID-19 hoành hành... Tuy nhiên lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ của đồn vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vững tay súng, bảo vệ vững chắc biên cương”, Thượng tá Quách Thiện Dư - Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê khẳng định.
Cũng theo Thượng tá Dư, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch công tác biên phòng, sẵn sàng chiến đấu đến toàn bộ cán bộ chiến sĩ, thời gian qua, đồn đã tổ chức lực l­­­ượng bám, nắm tình hình địa bàn nội, ngoại biên, phát huy có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, qua đó thu thập được 191 nguồn tin có giá trị sử dụng phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý, giữ vững an ninh, trật tự, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, đồn cũng thường xuyên tổ chức hội đàm, tuần tra song phương, kiểm tra toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc, từ mốc 702 đến mốc 715 và 3 cọc dấu với Đại đội bảo vệ biên giới 533 của Lào; phối hợp với Đảng ủy, UBND 2 xã La Êê và Chơ Chun tổ chức hàng chục lượt tuần tra, kiểm tra, phát quang hệ thống đường biên, cột mốc…
Những mầm xanh hy vọng…
Xã La Êê (huyện Nam Giang), ngoài là địa bàn đóng quân của Đồn Biên phòng La Êê thì còn có một đơn vị quân đội khác cũng góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ bình yên, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào khu vực biên giới, đó là Đoàn Kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 207, Quân khu V.
Hơn 10 năm kể từ khi về đứng chân tại đây, bộ mặt đời sống, xã hội các xã miền núi, nhất là 10 xã giáp biên của 3 huyện Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn thay đổi một cách nhanh chóng. Với việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là đưa đội ngũ trí thức trẻ về tận bản làng được xem như “một cuộc cách mạng”, một luồng sinh khí làm thay chuyển cả một vùng đất vốn dĩ xưa nay người dân chỉ biết đốt nương, làm rẫy, sống dựa vào nguồn sẵn có trong tự nhiên. Và các “Đội trí thức trẻ tình nguyện” do Đoàn 207 “gieo trồng” nhiều năm qua có thể xem như những mầm xanh đầy hy vọng nơi miền biên viễn này…
 
Alăng Oanh (thứ 2 từ phải qua) cùng các bạn trong Đội tri thức trẻ tình nguyện (Đoàn KT-QP 207) đang chăm sóc đàn heo giống để chuẩn bị nguồn giống cung cấp cho bà con.
Alăng Oanh (SN 1995), trú thôn Pa Lan, xã biên giới La Êê là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Huế, Oanh trúng tuyển vào Đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn KT-QP 207.
“Là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, việc tình nguyện tham gia dự án này, đối với em là một sự dấn thân để tự khẳng định mình. Quan trọng hơn khi về đây, em có cơ hội thực hiện ước mơ giúp cho gia đình, giúp cho bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên chính trên mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên” - Oanh hồ hởi nói.
Cũng như Alăng Oanh, khi vừa cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục – thể thao Đà Nẵng, Alăng Hoánh (trú thôn Đắc Pênh, xã La Dêê, Nam Giang) cũng được tuyển chọn vào Đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn 207. Với Hoánh, được sống và làm việc trong môi trường quân đội, em cho biết “đã trưởng thành lên rất nhiều”.Bởi, đây là nơi rèn luyện thử thách bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt tình của tuổi trẻ, là nơi tạo điều kiện cho tri thức trẻ phát huy những kiến thức đã được học để vận dụng vào thực tế, qua đó tự khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác, rèn luyện cho đội ngũ tri thức trẻ gắn bó với nhân dân nơi khó khăn, gian khổ.
“Xong 2 năm làm nhiệm vụ, em sẽ về địa phương công tác, sẽ dùng kinh nghiệm, vốn sống tích lũy được để truyền thụ kiến thức và bồi đắp hơn mối quan hệ đoàn kết quân dân, về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ cho bà con quê mình” - Alăng Hoánh nói.
Là một trong số nhiều hộ dân được cán bộ chiến sĩ Đoàn 207 và đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện “cầm tay chỉ việc” để thực hiện dự án nuôi heo, trồng cam Vinh, anh A Lăng Rơng (SN 1972), thôn Pa Lan hồ hởi cho biết: “Nhờ có bộ đội và các bạn tình nguyện viên mà đời sống của gia đình đã thay đổi hẳn. Từ chỗ không đủ ăn, đủ mặc, nay mình đã có thể dôi dư, đủ điều kiện chăm lo cho con cái học hành, đến nơi đến chốn”.
Dẫn chúng tôi vào khu nuôi heo của gia đình, ánh mắt Alăng Rơng kể với giọng đầy phấn khích: “Dịp tết vừa rồi, nhà mình đã bán được một đàn heo thịt, thu nhập cũng khá. Nuôi đến đâu bán hết đến đó, chỉ tiếc là nguồn cung của mình còn hạn hẹp thôi”, anh Rơng nói. Đồng thời cho biết, hiện gia đình đang được Đoàn 207 hỗ trợ thêm giống để mở rộng khu nuôi, tăng gia sản xuất. Ngoài nuôi heo, gia đình anh Rơng cũng là 1 trong số 20 hộ được Đoàn 207 chọn thí điểm trồng cam Vinh – một loại cam đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
“Bộ đội Đoàn 207 giúp mình từ giống, phân bón, còn bày cách trồng, chăm sóc. Qua 3 năm học hỏi, vườn cam đã cho thu hoạch. Vui hơn là được bao nhiêu trái bán hết bấy nhiêu. Tất cả là nhờ vào công sức của bộ đội Đoàn 207 và đội tri thức trẻ tình nguyện đấy” - anh Rơng vui mừng cho biết.
Mừng vui trước sự đổi thay của quê hương, nhiều người dân ở thôn Pa Lan cũng như xã La Êê tâm sự với chúng tôi rằng, ngày trước, bà con ở đây quen đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây bắp không lớn được, lại đi tìm cánh rừng khác. Từ ngày bộ đội về, mọi thứ đều đổi thay. Đường làng được bê tông kiên cố, nhà cửa khang trang, mọi người đều vui vẻ, khỏe mạnh hơn. Trồng trọt, chăn nuôi phát triển chẳng những đủ cái ăn, cái mặc cho hôm nay mà còn tích lũy cho con cháu sau này…
 
Đại tá Văn Phú Diệp (bên phải) cùng các bạn trí thức trẻ tình nguyện thăm vườn cam của gia đình anh Alăng Rơng.
Trao đổi với chúng tôi về những kết quả mà Đoàn 207 đã đạt được trong thời gian qua, Ðại tá Văn Phú Diệp - đoàn trưởng cho biết. với vai trò là “bà đỡ”, Đoàn KT-QP 207 đã nỗ lực tham mưu, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, chính trị - xã hội, xóa ‘bản trắng” đảng viên, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực biên giới.
“Với vai trò, trách nhiệm được giao, nhằm giúp đồng bào phát huy hiệu quả con giống, cây giống, từng bước vươn lên thoát nghèo, Đoàn KT-QP 207 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ gia đình; đồng thời hỗ trợ vật liệu làm chuồng, phân bón, dụng cụ nông nghiệp, thuốc thú y, xây dựng vùng cỏ nguyên liệu để cung cấp cho bò”... - Đại tá Diệp cho biết.
Đến một số địa phương trong vùng dự án khu KT-QP tại huyện Nam Giang, chúng tôi ghi nhận sự khởi sắc rõ nét của vùng biên giới này. Không ít mô hình phát triển kinh tế được Đoàn 207 triển khai, nhân rộng như mô hình trồng cây cam Vinh, “ngân hàng bò, heo giống”, mô hình trồng lúa nước… đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, khi đưa ra các mô hình phát triển kinh tế cho bà con 3 huyện biên giới, lực lượng tri thức trẻ tình nguyện luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; qua đó làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa.
“Nhờ sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cùng với những kiến thức khoa học được đào tạo, lực lượng tri thức trẻ tình nguyện đã phát huy tốt vai trò, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn” - Đại tá Văn Phú Diệp khẳng định.
Theo DOÃN NGUYÊN HƯNG (QNO)
https://baoquangnam.vn/quoc-phong-an-ninh/thang-tu-doc-dai-bien-gioi-126374.html

Có thể bạn quan tâm