Dẻ tùng sọc trắng. |
Các loài cây hạt trần này phân bố tập trung trên diện tích gần 500ha trên địa bàn xã Nam Động (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Hiện tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch xây dựng dự án xác lập khu bảo tồn loài tại xã Nam Động nhằm bảo tồn 4 loài cây kể trên.
Theo khảo sát của hạt kiểm lâm Quan Hóa, các loài cây hạt trần này sống trên núi đá ở độ cao 1.000-1.300m, nhiều cây trên 100 năm tuổi, cây to nhất có đường kính 150cm.
Trong đó Cây Thông Pà cò (Pinus kwangtungensis) phát hiện 1.240 cây, cây Đỉnh Tùng (Cephalotaxus hainanensis) có 260 cây, Thông Tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri Foxw) có 285 cây, cây Dẻ Tùng sọc trắng (Amentotaxus argotaenia) có 450 cây.
Cả 4 loài cây trên đều có thế hệ cây tái sinh.
Với việc phát hiện 4 loài cây hạt trần trên với diện tích tập trung tương đối lớn (gần 500ha) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đặc biệt với việc phát hiện phân bố cây tái sinh loài Thông Pà cò mở ra 1 hướng nghiên cứu mới đối với việc nhân giống hữu tính loài cây này bởi các nghiên cứu trước đây không nhân giống được loài Thông Pà cò do hạt giống không có phôi.
Theo TTXVN