TN - Đất & Người

Thành phố Pleiku tăng cường đầu tư hạ tầng đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thành phố Pleiku trở thành đô thị loại III vào năm 1999 và được công nhận đô thị loại II vào năm 2009. Qua nửa nhiệm kỳ (2010-2015) thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố, bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố là 14,16%/năm, thương mại-dịch vụ tăng 14,08%/năm, công nghiệp-xây dựng tăng 15,23%/năm, thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 46 triệu đồng...

Với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại, tháng 8-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020”, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
 

Tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: Thanh Nhật

Thành phố đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị. Trong đó, thành phố đã tranh thủ các nguồn vốn tập trung của Trung ương và tỉnh đầu tư trên địa bàn thành phố với gần 623 tỷ đồng, cũng như dành ngân sách khá lớn của địa phương cho công tác đầu tư xây dựng (riêng năm 2012 gần 192 tỷ đồng và kế hoạch năm 2013 là 108,3 tỷ đồng). Đặc biệt, thành phố đã chú trọng thực hiện các chính sách của tỉnh để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu đô thị mới, các cao ốc, trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học ngoài công lập, các khu giải trí thể thao, các khu và  cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các bến bãi đậu đỗ xe, mạng viễn thông bằng cáp quang..., với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 7.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố còn xây dựng cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực nội bộ trong nhân dân tham gia cùng Nhà nước đầu tư các tuyến đường hẻm, đường giao thông nông thôn, vỉa hè, điện chiếu sáng, các điểm đậu đỗ xe vừa và nhỏ; khuyến khích nhân dân hiến đất, mở rộng đường, hiến đất xây dựng các công trình công cộng ở địa bàn dân cư.

Với phương châm đầu tư phát triển đô thị theo hướng mở, phát triển từ trung tâm trở ra một cách đồng bộ, bền vững, thành phố đã nâng cấp và mở rộng 38 tuyến đường giao thông chính với chiều dài 40,66 km, xây dựng hơn 150 tuyến đường hẻm và đường giao thông nông thôn với chiều dài 63,82 km, đầu tư xây dựng mới 41,6 km mương thoát nước. Xây dựng mới 22,85 km vỉa hè đường chính, sửa chữa 12,938 km và nâng tổng số đường có vỉa hè hiện nay là 76,407 km. Đồng thời, trên địa bàn đã đầu tư lập 34 bãi đậu xe công cộng trong nội thành với tổng diện tích 26.493 m2 và có quy mô chỗ đậu đỗ cho 1.899 ô tô. Từ ngân sách nhà nước và đóng góp của nhân dân, qua 3 năm đã đầu tư 4.391 bộ đèn cao áp chiếu sáng thêm 144,42 km đường (trong đó đường chính tăng 2.152 bộ đèn cao áp tương ứng chiếu sáng 52,9 km, đường hẻm tăng 2.239 bộ đèn cao áp tương ứng chiếu sáng 91,52 km), nâng tổng số toàn thành phố có 8.743 bộ bóng đèn cao áp 326 km đường được chiếu sáng với 326 km đường được chiếu sáng-tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ.
 

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật

Cùng với việc chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố đã tập trung xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp. Hiện nay, thành phố có 15.800 cây xanh các loại (tăng 800 cây so với đầu nhiệm kỳ) với 36 chủng loại cây được trồng trên 90/207 tuyến đường và tại các điểm công cộng. Địa bàn thu gom rác có 103 tuyến đường chính (tăng 36 tuyến so với đầu nhiệm kỳ), 79 tuyến đường hẻm (tăng 44 tuyến so với đầu nhiệm kỳ) và 17 điểm rác công cộng (tăng 10 điểm so với đầu nhiệm kỳ). Thành phố đang xúc tiến đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 150 tấn/ngày đêm tại làng C, xã Gào. Đến nay, bộ mặt đô thị thành phố có những chuyển biến đáng kể, đã đạt 25/35 tiêu chí đô thị loại II (so với đầu nhiệm kỳ tăng 10 tiêu chí) và đạt 19/35 tiêu chí đô thị loại I.

Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Pleiku lên đô thị loại I trước năm 2020, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị theo nghị quyết đã đề ra, thời gian tới TP. Pleiku tiếp tục nâng cấp, mở rộng, kết nối và mở mới các tuyến đường giao thông đối ngoại, giao thông nội thành để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành so với đất xây dựng trong khu vực nội thành đạt trên 22%, diện tích đất giao thông/dân số nội thành đạt trên 13 m2/người,  80% các tuyến đường được nhựa hóa và bê tông hóa. Hệ thống thoát nước chính trong khu vực nội thành đạt trên 3,5 km/km2, 60% tuyến đường chính và đường có tên trong khu vực nội thành có vỉa hè kiên cố và thẩm mỹ, gắn với mở rộng các tuyến theo quy hoạch. 70% tuyến đường chính, đường có tên và đường có chiều rộng vỉa hè mỗi bên từ 3 mét trở lên trong khu vực nội thành có cây xanh đường phố. Tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Trà Đa và Cụm Công nghiệp Diên Phú. Tiếp tục chỉnh trang, xây dựng mới các khu đô thị và cơ sở y tế, giáo dục, các trung tâm văn hóa, thương mại dịch vụ, cải tạo nâng cấp Trung tâm Thương mại Pleiku và xây dựng nâng cấp một số chợ khu vực, triển khai các dự án quy hoạch và cải tạo cảnh quan môi trường (suối Hội Phú, suối Ia Linh...). Đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực nội thành đạt công suất trên 120 lít/người/ngày đêm, cấp điện sinh hoạt khu vực nội thành đạt trên 850kWh/người/năm...
 

Vòng xoay ngã ba Phù Đổng về đêm. Ảnh: Thanh Nhật

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tiến-Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết: “Giải pháp của thành phố là tập trung đồng bộ việc quy hoạch xây dựng phải đảm bảo tính đồng bộ gắn kết, tránh chắp vá khi triển khai thực hiện. Xây dựng hoàn chỉnh các khu đô thị mới và mở rộng khu trung tâm đô thị theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển đô thị hiện đại. Xây dựng khu vực ngoại thành đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng từ 1 đến 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng phục hồi bản sắc văn hóa riêng. Định hướng quy hoạch phải tính đến chia tách, nâng cấp một số phường, xã để đảm bảo đến năm 2020 thành phố có khoảng 24 phường, 6 xã. Bên cạnh đó, TP. Pleiku sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị, đẩy mạnh chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị, tăng cường quản lý đất đai và nhà ở, nâng cao năng lực bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đô thị, đồng thời gắn với tuyên truyền cho người dân về nếp sống văn minh đô thị và ý thức chấp hành pháp luật về quản lý đô thị”.                

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm